==HOTLINESHOW== ==HOTLINESHOWOTHER==

Các Dân Tộc Thiểu Số Tại Hà Giang (P1)

Hà Giang là nơi có nhiều sản phẩm văn hóa đặc sắc từ truyền thống lâu đời của hơn 20 dân tộc, một địa danh hành trình đáng nhớ bởi cảnh quan thiên nhiên và con người ở đây. Không giống với bất kỳ một nơi trải nghiệm nào ở Việt Nam, chương trình Ha Giang, khách thăm quan có thể thấy được những sản phẩm kết tinh từ truyền thống văn hóa độc đáo của người miền núi, đó là các loại khăn thêu, túi vải, áo váy với các loại hoa văn rực rỡ. Lữ khách sẽ tham dự những phiên chợ vùng cao đầy thơ mộng.

Dân Tộc Pà Thẻn

Người Pà Thẻn là cư dân sinh sống ở một số bộ phận ở tỉnh Hà Giang. Người Pà Thẻn tự gọi mình là Pà Hưng. Các dân tộc anh em khác thì gọi người Pà Thẻn là Mèo Lài, Mèo Hoa, hoặc Mèo Dỏ. Trong thư tịch cổ xưa, người Pà Thẻn được nhắc đến với tên Bát tiên tộc. Một số học giả người Pháp gọi người Pà Thèn là Mán Pa Seng hay Mán Pa Teng và họ xếp vào nhóm Mản với người Cao Lan, Sán Chỉ, Sán Dìu, tiếng nói thuộc ngữ hệ Hmông - Dao với dân số khoảng 3.794 người.

 

Theo truyền thuyết xưa của người Pà Thẻn kể lại rằng: Trước kia tổ tiên của họ ở vùng Than Lò (Trung Quốc), các dân tộc xung quanh gọi họ là Húng Dao hoặc là Thầu Dao. Người Pà Thẻn di cư đến nước ta cách ngày nay vào khoảng từ 200 làm đến 300 năm, cùng với các nhóm người Dao khác ở nhiều đoạn và những thời điểm khác nhau. Truyện kể về quá trình vượt biển di cư đến Việt Nam của người Pà Thẻn ngày nay vẫn được các cụ già nhắc đến. Căn cứ vào địa bàn cư trứ của người Pà Thẻn, họ cư trú phân chia ra làm ba vùng, vùng nhất gồm các xã Lĩnh Phú (Chiêm Hoá), Trung Sơn (Yên Sơn) ở đây họ sống xen kẽ với người Tày, mọi sinh hoạt, văn hoá, xã hội cũng gần giống người Tày quanh vùng, như cách ăn mặc thể hiện trong trang phục, nhà ở, v.v... Vùng thứ hai gồm các xã Hữu Sản, Bắc Quang, Hồng Quang (Chiêm hoá) tại đây người Pà Thẻn sống rải rác xen lẫn với người Dao, người Tày và người Thuỷ. Vùng thứ ba bao gồm các xã Tân sinh, Tân Lập, Yên Bình ở tả ngạn sông Gậm huyện Bắc Quang (Hà Giang) ở đây họ sống tương đối tập trung nên giữ được nét văn hoá, phong tục tập quán, cổ truyền gần như nguyên vẹn.

Khi xưa, tổ tiên người Pà Thẻn đến Việt Nam bằng đường biển, qua Móng Cái, Thái Nguyên theo các con suối lớn đến xà Linh Phú, rồi lại ngược lên sông Gâm đến vùng Lăng Can thuộc huyện Nà Háng, sau đó họ chuyển lên vùng Hữu Sản, .. Hồng Quang và phần lớn vượt sang tả ngạn sông Gâm đến ở các xã Tân Trịnh, Yên Bình, Tân Lập, trên đường đến Lăng Can có một bộ phận ở lại xã Tân Phú, Trưng Sơn sống đan xen với  người Tày.

Trước kia, người Pà Thẻn sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy, cây lương thực chính là lúa và ngô. Lúa cũng có nhiều loại, lúa tẻ (mô ha la, mô cò nhà, mô ta tớ, mô nhơ) và lúa nếp (mô cằm đi, bôn tri, bù mẻ khó, v.v...). Trên một đám nương người Pà Thèn chỉ canh tác từ hai đến ba vụ, tuỳ theo độ màu mỡ của đất, thu hoạch xong lại bỏ hoang hoá, họ kéo nhau đi tìm vùng đất mới, tiếp tục với công việc phát nương làm rẫy. Công việc này sẽ do người già hoặc người lớn tuổi trong gia đình có kinh nghiệm đảm nhận.

Dân Tộc Pà Thẻn

Phương thức canh tác của người Pà Thèn là dùng gậy nhọn đầu (chà gia) để chọc lỗ gieo hạt, gậy có độ dài từ 2 mét đến 2,50 mét. Họ tra lúa sớm từ tháng ba đến tháng tám (âm lịch) đã cho thu hoạch, có vài nơi cấy lúa muộn, thì thu hoạch vào cuối tháng mười. Khi mùa lúa chín, dùng nhíp (a li chác) để cắt từng bông. Trên những đám ruộng nương nào mà không trồng lúa, thì được trồng khoai môn, khoai sọ, đậu, ngô, bầu, bí và các loại rau.

Do tình trạng nền sản xuất thấp kém, lạc hậu kém phát triển như vậy, người Pà Thẻn xưa kia nhiều năm bị hạn hán, sâu bệnh thú rừng phá hoại, thu hoạch không đủ ăn, đời sống bấp bênh, nhiều người phải bỏ vào rừng kiếm rau và những cầy có củ để sống.

Từ ngày có phong trào định canh, định cư, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất cây trồng, người Pà Thẻn đã quy tụ sống tập trung thành những làng có dân cư đông đúc, xây dựng hợp tác xã tuỳ theo địa phương số nhà có trong mỗi làng khác nhau. Ở vùng tả ngạn sông Gâm (Tân Trinh, Tân tập, Yên Bình) có làng đông tới 30 đến 40 nóc nhà. Những vùng còn lại ở rải rác dọc theo chân núi cạnh những dòng suối lớn. Nhà ở có ba loại: Nhà sàn, nhà nền đất và nửa sàn nửa đất. Loại nhà nền đất to lớn cột có kê đã phổ biến ở những vùng định canh định cư do tiếp thu văn hoá cấu trúc và của người Dao.

Mỗi làng của người Pà Thẻn có nhiều dòng họ. Trong làng có một dòng họ to nhất. Người Pà Thẻn nhận mình là con cháu của tám họ như (Phù, Tần, Táy, Hưng, Sình, v.v...) ngoài ra còn là họ Bàn, họ Triệu. Mỗi họ có hai tên gọi, một theo âm Hán, và một được dùng giao tiếp xưng hô giữa những người đồng tộc, thí dụ họ Phù gọi theo tiếng dân tộc Pà Thẻn là Ca Bồ, họ bình là Ca Sơ, họ Dừ là Ca Đo.

Xã hội cũ của người Pà Thẻn trai gái kết hôn rất sớm, ở lứa tuổi 15 đến 16. Trong quan hệ hôn nhân giữa những người làng dòng họ bị ngăn cấm tuyệt đối, thực hiện chế độ hôn nhân một vợ một chồng bền vững, có nghĩa vụ nuôi dạy con cái, ít có hiện tượng ly hôn, ngoại tình và lấy vợ lẽ, trừ một số là trường hợp vì không có con. Ai vi phạm về đạo đức xã hội là bị cả cộng đồng lên án, cho nên ít xảy ra những hiện tượng trái với đạo đức trái với luân thường đạo lý.

Xưa kia người Pà Thẻn còn nặng về nghi thức hôn nhân cưới xin phức tạp. Số tiền nhà gái thách cưới rất nặng. Người Pà Thẻn có tục ở rể theo hạn định là 12 năm, ít nhất cũng là 6 năm, còn 6 năm về sau có thể thế chấp bằng tiền. Nếu gia đình đó mà không có con trai thì chú rể đó phải ở hẳn bên nhà vợ. Người ở rể phải thờ ma họ vợ, chia ra làm hai phần nửa con cái theo họ bố, nửa theo họ mẹ.

Trong mỗi gia đình đều có bàn thờ tổ tiên (a xe), ngoài ra họ còn thờ cúng nhiều vị thần khác như thần sấm, thần sét, thần mưa, thần gió, các thần có liên quan đến nền sản xuất nông nghiệp. Ngày nay do được học tập, sự nhận thức của người Pà Thẻn cũng khác xưa rất nhiều. Cuộc sống định canh, định cư, xoá đói giảm nghèo, đã làm thay đổi bộ mặt bản làng  của người Pà Thẻn, tạo điều kiện cho sự phát triển về văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục.

Trước Cách mạng Tháng Tám, xã hội của người Pà Thẻn phải sống dưới chế độ thực dân nửa phong kiến, là một cộng đồng nhỏ phải sống xen kẽ với nhiều dân tộc khác đông hơn luôn bị các thế lực phong kiến chèn ép, lấn lướt, người Pà Thẻn là người bị cùng khổ nhất ở địa vị thấp hèn. Chỉ từ sau Cách mạng Tháng Tám có Đảng có Bác Hồ, mới đem lại tự do, cơm no áo ấm cho người Pà Thẻn, họ mới thật sự làm chủ đời mình, có vị trí xã hội bình đẳng với các dân tộc anh em khác cùng chung trong đại gia đình Tổ quốc Việt Nam.

Nét văn hoá của người Pà Thẻn nói chung và nét đẹp trang phục của phụ nữ, hiện nay còn giữ được nhiều bản sắc dân tộc, bao gồm có (ké tự) váy, (két tanh) khăn bao gồm khăn trong (ke sớ) và khăn ngoài (sử chỉ), một số mô típ trang trí trên quần áo của phụ nữ Pà Thẻn thường là hình chó, hình chữ thập, hình quả trám giống với phụ nữ người Dao.

Đời sống tinh thần của người Pà Thẻn cũng rất phong phú và đa dạng, một dân tộc yêu ca hát, thổi sáo và những trò chơi dân gian, có tính chất cổ truyền. Có nhiều truyện kể và truyền thuyết về cây lúa kể rằng: ''Ngày xửa ngày xưa sau nạn hồng thuỷ trên trái đất không còn sinh vật, loài người không biết lấy gì để ăn, một gia đình nghèo có ba con vật là con chó, con mèo, và con lợn, chúng bàn nhau lên trời lấy trộm lúa giống của Ngọc Hoàng để cứu giúp lòai người, thoát khỏi cơn nguy khốn (xưa người Pà Thẻn tin trời và đất ở gần nhau), từ đó loài người mới có cây lúa ở ruộng nước, cây lúa ở trên nương trên rẫy, có cái để mà ăn cho nên người ta mới gọi là ''hạt lúa trời”.

Người Pà Thẻn rất yêu quê hương và Tổ quốc Việt Nam, luôn làm tròn nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, có hàng trăm thanh niên xung phong gia nhập quân đội, chiến đấu ở ngoài tiền tuyến. Người Pà Thẻn không sợ hy sinh gian khổ vẫn một lòng theo Đảng, tin yêu ở Cách mạng. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ vùng biên giới của Tổ quốc, người Pà Thẻn đã làm "hàng rào thép'' ngăn chặn kẻ thù xâm lược giữ vững an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội.

Ngày nay, người Pà Thèn đã có cuộc sống đủ ăn đủ mặc và tăng trưởng kinh tế, đi đôi với việc thực hiện chương trình 135-120 xóa đói giảm nghèo là một bước đi vững chắc cho tương lai, người Pà Thẻn càng ra sức xây dựng cuộc sống mới và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Dân Tộc Giáy

Người Giáy sinh sống tại xóm Ma Lé nằm gần đỉnh Lũng Cú thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Đây là một xóm nhỏ ẩn chứa nhiều điều thú vị. Ma Lé chỉ có gần 20 nóc nhà nhưng tập trung hầu hết những nét đặc trưng văn hóa của người Giáy. Họ sống vui vẻ, ôn hòa cùng với các dân tộc khác: Mông, Lô Lô, Chải, Pu Péo... Trải qua nhiều thế hệ nhưng bản sắc vẫn không bị pha trộn.

 

Dân Tộc Giáy

Trang phục phụ nữ người Giáy ở Ma Lé thông thường là áo dài xanh hoặc đen, vạt đến ống quyển, cài khuy từ cổ chéo xuống nách, giống như áo dài của người Kinh. Phần eo thắt đai lưng bằng vải màu xanh đen khá chắc chắn, chiếc đai lưng này có tác dụng như bệ tì cho phần bụng hay dùng để cài dao, lạt buộc... Phụ nữ Giáy vấn tóc kiểu vành khuyên, choàng lên trên là chiếc khăn vuông sặc sỡ tương xứng với đôi giầy thêu một cách rất cầu kỳ. Họ có thể bỏ ra hàng tháng để thêu cho đôi giầy những đường nét tinh tế. Thông thường hình thêu trên đó là biểu tượng của hạnh phúc lứa đôi: đôi bướm, đôi uyên ương, hai bông hoa đào... Phụ nữ Giáy dùng rất ít đồ trang sức bằng kim loại. Chỉ một chiếc vòng tay, một dây xà tích hay một vòng cổ bằng bạc là đủ.

Người Giáy có kỹ thuật xây nhà khá đặc biệt. Xưa kia, khi rừng còn nhiều, người Giáy làm nhà sàn bằng gỗ, móng, trụ bằng đá, chạm trổ phong phú. Hiện nay ở Ma Lé còn 2 ngôi nhà sàn bằng gỗ của gia đình anh Hoàng Văn Hương và ông Hoàng Văn Nanh có tuổi thọ hơn 100 năm. Hai ngôi nhà này thường xuyên được tiếp đón các nhà văn hóa, khách thăm quan trong nước và quốc tế đến thăm quan và nghiên cứu. Người Giáy có kỹ thuật ghép đá, chạm khắc trên đá, trên gỗ được thể hiện bằng con sơn hình hoa cúc, đèn lồng; những ô cửa sổ nan trám hay những trụ đá chạm hoa sen... khá tinh xảo, một điều ít thấy ở các dân tộc sống trên cùng địa bàn. Gần 100 năm nay, rừng ngày càng thu hẹp nên người Giáy xây nhà bằng đất. Có hai phương pháp, một là làm tường trình: dùng đất nhão lèn chặt vào khuôn tường để thành một ngôi nhà đúc bằng đất; hai là trộn đất nhão với rơm, rạ đóng thành gạch rồi xây nhà. Loại vật liệu này đơn giản nhưng có sức chịu đựng dẻo dai với nắng gió trên cao nguyên Đồng Văn. Cả hai kiểu nhà này phân chia khu vực sinh hoạt giống nhau. Ở giữa là gian thờ và tiếp khách nam, một bên là bếp và tiếp khách nữ. Gian bên kia là phòng ngủ. Nhà của người Giáy thường có thêm gác xép cả trong nhà lẫn ngoài hiên để đựng thóc lúa, người Giáy kiêng không cho khách lên khu vực này. Xung quanh nhà là chuồng gia súc và các dụng cụ chế biến nông sản.

Vào dịp Tết, người Giáy dán bùa chú màu đỏ khắp nơi, kể cả chuồng gia súc, trên đó viết những lời cầu may bằng chữ Hán rồi nhà nhà chuẩn bị gói bánh chưng đen. Đó là loại bánh chưng rất khó bị mốc do gạo nếp được ngâm với tro mà chuyển thành màu đen, nhân bánh bằng đậu xanh tẩm hương liệu thiên nhiên để lại dư vị khó quên. Người Giáy còn có kỹ thuật làm "sường" (thịt xông khói) rất ngon: thịt ướp muối được nhồi vào lòng heo rồi treo lên gác bếp cho đến lúc khô cứng lại. Khách đến chơi, người Giáy thường đem thịt này thết đãi cùng với rượu chưng cất từ một loại men đặc biệt. Ở Ma Lé, người Giáy vẫn còn lưu giữ được những bài thuốc đông y của tổ tiên để lại. Thầy lang Lò Đình Thiêu có đến hàng trăm bài thuốc chưa có sách vở nào chép lại. Ông thường bận rộn suốt ngày với người bệnh đến từ nhiều vùng miền chứ không riêng người Giáy.

Dân Tộc Phù Lá

Người Phù Lá xuất hiện ở Việt Nam nói chung và Hà Giang nói riêng chưa lâu, chỉ khoảng trên 100 năm. Người Phù Lá ở Việt Nam có hai nhóm là Lao Va Xơ (Xá Phó) và Pu La. Cộng đồng người Phù Lá đang sinh sống tại Hà Giang thuộc nhóm Pu La.Đặc điểm kinh tế: Đời sống kinh tế của dân tộc Phù Lá dựa vào việc làm nương và ruộng bậc thang. Chăn nuôi gồm có trâu để kéo cày, ngựa để thồ, gà, lợn để lấy thịt. Nghề thủ công nổi tiếng của đồng bào là đan mây, tre làm gùi và các dụng cụ để chứa đựng... với nhiều hoa văn đẹp. Những sản phẩm này, đồng bào còn mang bán hoặc đổi hàng, được nhiều dân tộc khác ưa dùng.

 

Dân Tộc Phù Lá

Tổ chức cộng đồng: Người Phù Lá sống trên núi cao, thành các làng bản nhỏ riêng rẽ. Mỗi làng, bản có 10-15 gia đình, sinh sống trong các ngôi nhà đất, xen kẽ trong vùng có nhiều dân tộc như Mông, Dao, Tày, Nùng. Các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ có vai trò rất lớn trong iệc điều hành các công việc ở làng bản.

Hôn nhân gia đình: Người Phù Lá tôn trọng hôn nhân một vợ một chồng. Thanh niên nam nữ được tự do tìm hiểu để dẫn đến hôn nhân, khi yêu nhau, trai gái nói cho bố mẹ biết, hai gia 1ình sẽ tổ chức bữa cơm thân mật. Từ đó đôi trai gái coi như đã đính hôn. Đám cưới có thể tổ chức sau một, hai năm. Theo tập quán Phù Lá, cô dâu về ở nhà chồng. Của hồi môn của con gái về nhà chồng thường là những vật dụng cần thiết cho cuộc sống gia đình như: Bát đĩa, nồi niêu, chăn màn, thóc giống, gà, lợn giống…

Văn hoá: Hiện nay, người Phù Lá vẫn giữ được vốn văn hoá dân gian của mình. Họ có một nền văn học truyền miệng khá phong phú. Truyện cổ của người Phù Lá có nội dung phổ biến là ca ngợi tình đoàn kết, điều thiện thắng điều ác. Câu tục ngữ “Một giọt nước không thành dòng nước lũ” của người Phù Lá đã nói lên sự cần thiết của đoàn kết…

Tương tự như các dân tộc khác, hàng năm người Phù Lá có nhiều dịp sinh hoạt cộng đồng từ Tết Nguyên Đán, lễ cúng thần rừng, tết tháng Bảy, tết cơm mới vào đầu tháng 10… cho đến những dịp đặc biệt theo chu trình đời người như cưới xin, đặt tên con, tang ma…

Nhà cửa: Người Phù Lá có cả nhà sàn và nhà đất.

Nhà đất: Đó là loại nhà hai mái, tường được trình kiên cố nhưng hai hồi để trống. Bàn thờ tổ tiên đặt ở gian giữa, bên cạnh có cửa sổ giả, còn gọi là cửa sổ ma, rộng 15-20 cm, chỉ mở khi cúng. Người Phù Lá thường hay làm thêm nhà một ngôi nhà nhỏ, gọi là nhà phụ, dùng là nơi để lương thực và để tránh hoả hoạn vì kèo đơn giản chỉ có một bộ kèo tam giác gồm hai kèo và một quá giang gác lên dầu tường. Hoặc có thêm một cột hiên.

Nhà sàn: nhà thường ba gian hai chái. Vì kèo ba cột giống nhà người Hà Nhì. Gian chính giữa, giáp vách tiền là chạn bát, ở giữa nhà là bếp , giáp vách hậu là bàn thờ.

Trang phục: Trang phục Phù Lá độc đáo trong lối tạo dáng và phong cách thẩm mỹ, khó lẫn lộn với bất cứ tộc người nào trong hệ ngôn ngữ và khu vực vừa mang nét đẹp cổ truyền và cũng khá "hiện đại".

Trang phục nam: Thường nhật, nam giới mặc áo loại xẻ ngực (Bảo thắng, Lào Cai). Aáo được may từ 6 miếng vải, cổ thấp, không cài cúc nẹp ngực viền vải đỏ, ống tay hẹp, cổ tay thêu hoa văn như áo phụ nữ.

Trang phục nữ: Phụ nữ Phù Lá chưa chồng thường để tóc dài quấn quanh đầu. Đầu thường khăn vuông đen hoặc chàm, bốn góc và giữa khăn có đính hạt cườm. Người Phù Lá không có tục mặc hai áo như một số dân tộc (Tày, Dao đỏ...). Họ thường mặc áo ngắn 5 thân, dài tay, cổ vuông, thấp, chui đầu. Trên nền chàm của áo, thân được chia thành các khu vực trang trí (2 phần gần như chia đôi giữa thân, vai, và ống tay cũng như gấu áo). Cổ áo vuông và mô típ hoa văn trang trí cũng như lối bố cục dùng màu khó làm cho áo phụ nữ Phù Lá lẫn lộn với các tộc người khác. Vay màu chàm đen, đầu và chân váy được trang trí hoa văn màu đỏ, trắng vàng (giống áo) với diện tích 2/3 trên nền chàm. Đầu vấn khăn, hoặc đội mũ thêu ghép hoa văn theo lối chữ nhất (-). Chị em còn có loại áo dài 5 thân cài nách phải, hoặc loại tứ thân cổ cao, tròn cài cúc vải.

Dân Tộc Cờ Lao

Người dân tộc cờ lao cũng được chia thành nhiều nhóm. Nhóm Cờ Lao Đỏ phân bố ở Hoàng Su Phì và Yên Minh, nơi có nhiều núi đất và thung lũng, chủ yếu canh tác ruộng nước. Trong khi đó, nhóm Cờ Lao Xanh và cờ Lao Trắng phân bố ở Đồng Văn, Mèo Vạclại sống dựa chủ yếu vào nương định canh núi đá.Theo các tài liệu nghiên cứu hiện nay thì người Cờ Lao ở Việt Nam có quan hệ với dân tộc Ngật Lão ở Văn Sơn (Trung Quốc). Căn cứ vào gia phả của một số dòng họ thì người Cờ Lao có mặt ở Hà Giang khoảng 120 đến 250 năm cách ngày nay.

 

Dân Tộc Cờ Lao

Cũng như các dân tộc khác, người Cờ Lao cư trú thành từng thôn bản. Mỗi thôn có khoảng 15- 20 gia đình. Các ngôi nhà thường được thưng bằng gỗ hoặc trình bằng đất, lợp ngói âm dương, không chái. Phía sau của gian giữa là nơi thờ cúng, phía trước là chỗ ăn cơm. Trên bàn thờ, người ta đặt các bát hương thờ tổ tiên từ đời thứ 3 hoặc thứ 4. Hàng năm, khi mổ lợn ăn tết họ đều lấy các mảnh xương hàm treo lên đó.

Dù cư trú ở Hoàng Su Phì hay Đồng Văn, Mèo Vạc thì nguồn sống chính của người Cờ Lao vẫn chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp. Nhóm Cờ Lao Đỏ thì canh tác lúa nước, trồng chè, còn nhóm Cờ Lao Xanh và Cờ Lao Trắng thì trồng ngô và chăn nuôi. Quanh nhà, người ta thường quây những mảnh vườn nhỏ trồng cây ăn quả, rau xanh…

Đến các làng bản người Cờ Lao hôm nay, nếu chỉ bắt gặp đàn ông của dân tộc này thì ta cũng không phân biệt được nét riêng qua trang phục vì đa phần họ mặc giống các dân tộc khác như quần đen, áo xẻ ngực, 4 túi… Riêng trang phục nữ giới thì dù có thay đổi ít nhiều song vẫn còn giữ được nét riêng của mình. Nhiều người cho rằng trước đây, phụ nữ Cờ Lao mặc váy song thực tế hiện nay thì đa số phụ nữ Cờ Lao mặc quần, kết hợp với áo dài. áo của phụ nữ Cờ Lao là loại áo dài xẻ tà, cổ đứng, cài cúc bên nách phải. áo may dài quá đầu gối, trang trí những khoanh vải nhiều màu ở ống tay và phần trên của ngực áo. Đặc biệt, trong ngày cưới, chú rể bắt buộc mặc áo dài xanh như kiểu áo nữ và cuốn một tấm khăn đỏ qua người, cô dâu thì búi tócngược lên đỉnh đầu…

Người Cờ Lao rất tôn trong hôn nhân tốt đẹp, một vợ một chồng. Dù là cha mẹ gả hay tự nguyện lấy nhau thì các gia đình Cờ Lao rất ít khi bỏ nhau. Với gia đình hôn nhân bền chặt, các gia đình người Cờ Lao sống cùng nhau nhiều thế hệ. Con cái sinh ra và lớn lên trong gia đình và môi trường xã hội mà ở đó các phong tục, tập quán được quy định chặt chẽ. Nhờ đó, những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc được gìn giữ từ đời này sang đời khác.

Nói về tôn giáo của người Cờ Lao cũng có điểm khác biệt. Họ cho rằng chỉ có người, các loại gia súc và lúa, ngô mới có linh hồn. Mỗi người có 3 linh hồn. Sức khoẻ của con người tuỳ thuộc vào sự mạnh yếu của linh hồn. Khi linh hồn rời khỏi thể xác cũng có nghĩa là con người ta chết đi. Người Cờ Lao cũng tin rằng để linh hồn đến được với tổ tiên thì người ta không chỉ làm đám tang chôn cất mà còn phải tổ chức lễ ma khô sau đó.

Người cờ Lao được xếp vào nhóm ngôn ngữ Ka-Đai. Tuy nhiên do địa bàn cư trú khác nhau mà ngôn ngữ của các nhóm Cờ Lao đã hình thành những phương ngữ khá phức tạp. Do sinh sống gần gũi với nhau nên tiếng nói của nhóm Cờ Lao Xanh và Cờ Lao Trắngđã hoà vào nhau. Trái lại, nhóm Cờ Lao Đỏ ở Hoàng Su Phì có thổ ngữ riêng và việc giao tiếp giữa các nhóm gặp khó khăn. Có thể nói, ngôn ngữ của dân tộc này vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu một cách đúng mức.

Cùng với ngôn ngữ thì vốn văn hoá dân gian của dân tộc Cờ Lao cũng đang cần tiếp tục được nghiên cứu, tìm hiểu một cách bài bản hệ thống. Qua đó,giúp đồng bào lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống của mình bằng văn bản. Đồng thời, giới thiệu đến mọi người những nét đẹp văn hoá của đồng bào, góp phần làm giàu thêm nền văn hoá đất nước ta vốn đã phong phú và đa dạng.

 

Các Dân Tộc Thiểu Số Tại Hà Giang (P1)

Các Dân Tộc Thiểu Số Tại Hà Giang (P1)
68 7 75 143 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==