==HOTLINESHOW== ==HOTLINESHOWOTHER==

Vào tháng 1 đầu năm, khách thăm quan sẽ được chiêm ngưỡng một bức tranh tươi mới, tràn đầy sức sống, ở đó điểm xuyết màu sắc tươi thắm của hoa đào, hoa cải, hoa mận trên nền cao nguyên đá xám. Trên những nếp nhà những cô gái dân tộc phơi những bộ đồ truyền thống rực rỡ sắc màu càng làm cho vùng đất Đông Bắc của Tổ quốc thêm sống động, hút mắt.

Hà Giang Tháng 1 Mùa Hoa Đào Hoa Mận (Cập Nhật 2025) - Ảnh 1

Giới thiệu Hà Giang

khách thăm quan không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ, những con đường uốn lượn quanh co dài tít tắp, được thưởng thức những hương vị thơm ngon của món ăn đặc sản nơi đây, mà còn cảm nhận vẻ đẹp của Sắc Hoa và Tình Người. Hoa nở quanh năm với nhiều màu sắc diệu kỳ như: Trắng muốt của Hoa Mận, Cam rực rỡ của Hoa Cúc, Vàng Vàng của Hoa Cải, Tim Tím của Tam Giác Mạch. Với vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng, Hà Giang - mảnh đất cực Bắc Tổ quốc mùa nào cũng đáng đi, đáng chiêm ngưỡng

Thời tiết Hà Giang tháng 1

Tháng 1 là thời điểm Hà Giang bước vào mùa xuân, lúc này tiết trời vẫn còn chút se se lạnh, nhiệt độ khoảng từ 10-24 độ C.bHà Giang vào mùa xuân là một trải nghiệm khá thú vị đối với nhiều khách thăm quan. Như thường lệ, mỗi năm, cứ khi sắc xuân tràn về trên cao nguyên đá, người dân các huyện vùng cao ở Hà Giang lại nô nức tổ chức các lễ hội truyền thống, đem đến một không gian náo nhiệt, rộn ràng, vừa nhân văn vừa hấp dẫn. Dịp đầu năm cũng là lúc đồng bào các dân tộc thiểu số nghỉ ngơi mừng lễ tết năm mới, đây là thời điểm mà Lữ khách  được khám phá nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng, riêng biệt của các tộc người thiểu số nơi rẻo cao.

Hà Giang mùa xuân, khách thăm quan có thể có cơ hội trải nghiệm Lễ hội Gầu Tào để cầu phúc của người Mông từ mùng 1 đến rằm tháng giêng (15 tháng 1) ở khu vực cao nguyên đá Đồng Văn; Tết của người Lô Lô ở các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc; Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày để cầu trời mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu;…

Thời tiết Hà Giang tháng 1

Phương tiện đi lại ở Hà Giang

Hà giang là một vùng đất có diện tích rộng lớn và được chia làm những vùng khác biệt, nếu như ở phía Bắc và Đông Bắc là những dãy núi đá tai mèo trùng điệp thì phía Tây Nam lại là những dãi núi kỳ vĩ và những thửa ruộng bậc thang mênh mông, bát ngát. Trong bài viết này, Vietsense sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin về phần núi đá gồm những huyện là: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ.

Quãng đường từ Thủ đô Hà Nội đến Thành phố Hà Giang dài chừng hơn 300km. KháchHà Giang có thể chọn cho mình nhiều loại phương tiện khác nhau như: xe máy, xe ô tô tự lái, xe khách,…

Đến Hà Giang bằng xe máy

Có thể nói, xe máy là phương tiện được nhiều bạn trẻ lựa chọn khi Hà Giang bởi lẽ địa hình ở đây vô cùng cheo leo với những cung đường uốn lượn, nhiều dốc cao và nếu bạn muốn chinh phục, trải nghiệm và khám phá trọn vẻ đẹp nơi đây thì xe máy sẽ là phương tiện phù hợp nhất. Để đảm bảo an toàn, khách thăm quan nên đi thành nhóm 5-6 người và cần trang bị kỹ năng cũng như kinh nghiệm di chuyển đường dài qua những đoạn đường cua dốc. Từ điểm xuất phát ban đầu là Hà Nội bạn sẽ đi lên Tuyên Quang bằng QL2C hoặc QL2 rồi đi thẳng lên Hà Giang và từ đó đi lên 4 huyện miền cao.

Đến Hà Giang bằng xe máy

Đến Hà Giang bằng xe ô tô tự lái

Đối với những khách thăm quan tự lái xe ô tô để đưa gia đình đi Hà Giang thì cung đường đi cũng giống như xe máy. Hoặc nếu bạn muốn tiết kiệm thời gian hơn có thể đi cao tốc Nội Bài – Lào Cai tới đoạn Đoan Hùng hoặc Phong Châu (Phú Thọ) rồi rẽ ra để lên Tuyên Quang và đến Hà Giang.

Đến Hà Giang bằng xe khách

Còn nếu bạn chọn phương tiện là xe khách, thì sẽ có rất nhiều chuyến khác nhau trong ngày nhưng thông thường thì khách thăm quan sẽ lựa chọn đi xe giường nằm xuất phát từ 20-21h hàng ngày và khoảng 4-6h sáng hôm sau là lên đến Hà Giang. Khi đến đây rồi, bạn có thể đi xe khách tuyến huyện để tham quan và trải nghiệm 4 huyện vùng đá hoặc có thể thuê xe máy để chinh phục nhưng cung đèo hiểm trở bậc nhất Việt Nam. Tuyến xe khách đi Hà Giang có nhiều nhất tại bến xe Mỹ Đình, Hà Nội nên bạn có thể lựa chọn những khung giờ mà bạn cảm thấy hợp lí. Và từ Hà Giang về Hà Nội cũng có những chuyến xe giường nằm đêm như vậy sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian.

Lưu trú và ẩm thực Hà Giang

Khi đặt chân đến mảnh đất cao nguyên này, khách thăm quan có thể nghỉ ngơi tại các trung tâm huyện. Ở Hà Giang có rất nhiều khách sạn và nhà nghỉ lớn với kiến trúc đẹp, dịch vụ tốt, tọa lạc ở những vị trí vô cùng đẹp. Bạn có thể tham khảo một số khách sạn như: Phoenix Hà Giang, Royal Hà Giang, Historic House Hà Giang,…Nếu ở Yên Minh thì ít hơn, lớn nhất có lẽ là Thảo Nguyên Xanh. Còn đối với Đồng Văn vì là trung tâm của cao nguyên đá nên được đầu tư rất nhiều khách sạn lớn như: Hoàng Ngọc, Khải Hoàn, Hoa Cương. Mèo Vạc cũng có khách sạn Nho Quế, Mai Đào,…Tuy nhiên, kinh nghiệm đi Hà Giang là bạn nên gọi điện đặt phòng nghỉ trước để tránh tình trạng hết phòng nhé.

Hà Giang không chỉ có nhiều địa điểm thăm quan hấp dẫn với vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng, hữu tình mà ẩm thực nơi đây cũng vô cùng thú vị và độc đáo như: rượu ngô, xôi ngũ sắc, cháo ấu tẩu, bánh bao ngô, bánh cuốn, thắng cố,…

Tháng 1 Hà Giang có gì?

Mùa hoa đào nở rộ say đắm

Tháng 1 là thời điểm mà người người, nhà nhà rộn ràng, tấp nập để chuẩn bị cho những chuyến du xuân trẩy hội đầu năm. Được xem là một trong những điểm đến nổi tiếng và thu hút bậc nhất ở miền bắc Việt Nam, Hà Giang lúc này như được khoác trên mình tấm áo mới đầy rực rỡ, tươi mới mang lại sức sống tràn trề, nảy nở khi mùa xuân về. Ấn tượng khó phai nhất trong tâm trí người lữ khách phương xa khi đến đây là hình ảnh của những bông hoa đào nở rộ khắp núi đồi Hà Giang từ đó tạo lên một bức tranh thiên nhiên vô cùng phong phú và mỹ lệ.

Hoa đào ở Hà Giang mang trong mình vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh khiết và tinh tế như chính vùng đất rẻo cao mà nó sinh sống vậy, tuy nhiên không vì thế mà hoa đào nơi đây mất đi sự mạnh mẽ vốn cần thiết để sinh tồn được ở nơi có khí hậu khắc nghiệt hơn những nơi khác. Nếu như những bông hoa đào, hoa mận Mộc Châu, hoa đào Sa Pa thường nở khá sớm trong khoảng thời gian trước và ngay sau tết thì hoa đào ở Hà Giang lại khác biệt hơn ở chỗ nó thường nở khá muộn khoảng sau Tết cổ truyền khoảng 1-1,5 tháng và có năm nở vào tháng 2 hoặc đầu tháng 3.

Hà Giang được biết đến như là xứ sở của hoa đào, chính vì những vẻ đẹp tráng lệ đã lưu luyến bước chân của nhiều khách thăm quan khi ghé thăm nơi đây, và có nhiều người còn nhận xét rằng mặc dù họ đã từng đi nhiều nơi và chiêm ngưỡng đào tết ở các vùng khác nhau nhưng có lẽ không nơi nào có hoa đào nở đẹp như ở Hà Giang.

Những bông hoa đào ở Hà Giang mang vẻ đẹp rất đặc biệt bởi nó là một thứ đào của núi rừng, nở rộ ở những nơi rừng xanh núi thẳm hoang sơ, mọc ngay trên những thảm đá tai mèo xanh xám của cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc. Mang trên mình sắc hồng phơn phớt tưởng trừng rất mong manh nhưng đâu đó lại toát ra một sức sống tiềm tàng và mạnh mẽ. Chính nhờ sắc hồng thắm của những cánh hoa đào đã làm xoa dịu đi cái lạnh lẽo, hoang vu, tiêu điều của núi rừng đem đến một khoảng trời rực sáng, như những đốm lửa được thắp lên ấm áp.

Mùa hoa đào nở rộ say đắm

Quyến rũ mùa hoa mận

Khi mùa xuân đến, khắp nơi từ Quản Bạ (Quyết Tiến, Minh Tân), Đồng Văn (Phó Bảng, Phố Cáo, Sủng Là, Sà Phìn, Thài Phìn Tủng), Yên Minh (Lao Và Chải, Na Khê, Bạch Đích), Mèo Vạc (Sủng Trà, Sủng Trái, Lũng Phìn), nơi nơi là hoa mận khoe nhau đua sắc trên nền đá đen của cao nguyên đá.

Bên cạnh vẻ đẹp thanh khiết của hoa đào, Hà Giang vào tháng 1 còn lấp lánh, lung linh hơn khi có sự xuất hiện của những bông hoa mận trắng tinh khôi, từ những thung lũng, dãy núi đồi đều phủ trắng màu hoa mận. Tuy nhiên, khách thăm quan không thể chiêm ngưỡng những bông hoa này lâu bởi mùa hoa mận rất mau tàn nó chỉ nở rộ trong khoảng 2 đến 3 tuần thôi. Nếu bạn muốn tận mắt ngắm nhìn màu hoa này khi đến Hà Giang thì hãy chú ý theo dõi thông tin từ những người dân sống ở vùng đất này hoặc những phượt thủ chuyên nghiệp nhé.

Quyến rũ mùa hoa mận

Hà Giang mùa cải vàng - mùa của những nhớ thương đong đầy

Vào thời gian này cũng là lúc những ngồng cải âm thầm bung hoa tươi tắn. Mùa cải vàng – mùa của những nhớ thương đong đầy. Đến đây, khách thăm quan sẽ có cảm giác như lạc vào một thế giới huyền ảo, mộng mơ, ở đó Lữ khách sẽ bị mê hoặc bởi những nẻo đường hoa cải trải đầy sắc vàng như dọc đường từ Cổng Trời – Quản Bạ đến Đồng Văn và đặt biệt thiên đường Hoa Cải Vàng vẫn là ở thung lũng Sủng Là, nơi được xem là “Làng Điện Ảnh”. Vào độ thu về, đông lập, cao nguyên đá Đồng Văn ngập tràn sắc hương hoa tạo nên một bức tranh thu đông với đầy đủ những gam màu hòa quyện hài hòa.

Khi đứng trong những nếp nhà trình tường, hay ở ven đường, chân núi, sườn đồi hay các mỏm đá cao, khách thăm quan đều có thể ngắm nhìn được những tấm thảm hoa cải vàng rực rỡ, tươi thắm. Cánh đồng hoa càng trở nên đẹp hơn khi được điểm xuyết những ánh nắng từ đó tạo nên một bức tranh lộng lẫy, tuyệt sắc khiến tiết trời thu đông nơi đây trở nên ấm áp, tinh khôi lạ thường.

Đứng nơi ven đường, chân núi, sườn đồi hay mỏm đá cao, hay trong những nếp nhà trình tường, Lữ khách có thể chiêm ngưỡng được những tấm thảm hoa cải vàng rực rỡ. Và khi ánh nắng chiếu vào cánh đồng hoa, tạo nên bức tranh lộng lẫy, tuyệt sắc và trong không gian ấy lại khiến người ta bâng khuâng, thơ mộng hòa mình vào thiên nhiên, cảm thấy thư giãn. Thềm nhà đầy hoa, ươm màu rực rỡ khiến tiết trời đông trở nên ấm áp, tinh khôi lạ thường là cảnh sắc và cảm nhận mà bạn có thể khám phá khi tới Hà Giang tháng 1 này.

Các điểm tham quan chính khi đến Hà Giang

Hà Giang vào tháng 1, khách thăm quan có thể tham quan rất nhiều địa điểm khác nhau. Và trong khuôn khổ bài viết này, Vietsense Travel sẽ giới thiệu cho bạn những điểm tham quan chính trên lộ trình khám phá, trải nghiệm 4 huyện cao nguyên đá.

Cổng trời và núi đôi Quản Bạ:

Địa điểm đầu tiên đó là Cổng trời và núi đôi Quản Bạ: Cổng trời Quản Bạ của Hà Giang, nằm ở độ cao 1500m so với mặt biển, đây là cửa ngõ đầu tiên lên cao nguyên Đồng Văn. Năm 1939, người ta dựng một cánh cửa khổng lỗ bằng gỗ nghiến dày 150cm ở ngay Cổng trời. Một thời, sau cánh cửa gỗ này là một "thế giới" khác - còn gọi là "Vùng tự trị của người Mèo", gồm các huyện Quản Bạ, Mèo Vạc, Đồng Văn và Yên Minh. Đứng tại Cổng trời Quản Bạ, có thể quan sát được cánh đồng của Quản Bạ, Quyết Tiến, Thái An, Đông Hà, Cán Tỷ và Bát Đại Sơn. Và thời tiết ở khu vực này thường quanh năm may mù bao phủ do độ cao lớn. Còn Núi đôi Quản Bạ lại là danh thắng tự nhiên với hai ngọn núi nằm liền kề nhau giữa thung lũng và thay đổi màu sắc theo mùa và Núi đôi Quản Bạ còn có tên gọi khác là Núi đôi Cô Tiên.

Cổng trời và núi đôi Quản Bạ:

Dốc Thẩm Mã, Phố Cáo, dốc Chín Khoanh

Tiếp đến là Dốc Thẩm Mã, Phố Cáo, dốc Chín Khoanh: Để đến thung lũng Phố Cáo, khách thăm quan sẽ phải vượt qua dốc Thẩm Mã uốn lượn quanh co tựa như một dải lụa mềm mại vắt ngang lưng núi, Phố Cáo là thung lũng hẹp nằm giữa hai dãy núi lớn. Ở đây vào mùa đông hay mùa xuân đều trông thấy những ruộng hoa cải, tam giác mạch, đào. Phiên chợ ở Phố Cáo là phiên chợ lùi, đầu năm cũng có lễ hội Khèn rất đặc sắc và độc đáo.

Rừng thông Yên Minh

Rừng thông Yên Minh: là thảo nguyên xanh giữa miền đá núi cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 100km về phía đông, nằm trên QL4C lên Đồng Văn hay còn gọi là con đường Hạnh Phúc, rừng thông thuộc địa phận xã Na Khê, Lao Và Chải, huyện Yên Minh gồm rất nhiều những cây thông lớn và những đồi cỏ rất đẹp mắt. Và nơi đây còn là 1 địa điểm lý tưởng để khách thăm quan có thể tổ chức hoạt động vui chơi, dã ngoại, cắm trại giữa rừng cùng gia đình, bạn bè thưởng thức những bữa tiệc ngoài trời và tận hưởng những giây phút vui vẻ, hành phúc.

Sủng Là, Phó Bảng

Sủng Là, Phó Bảng: là một dải đất bằng phẳng nằm giữ khe núi với hai bên là những ngôi nhà trình tường của người Mông, ở giữa là QL4C chạy uốn lượn đi qua. Nơi đây nổi tiếng với ngôi nhà trong bộ phim cùng tên Chuyện của Pao, và cũng là nơi có nhiều tam giác mạch cũng như cây sa mộc. Còn Phó Bảng lại là thị trấn sát biên giới với Trung Quốc, mảnh đất này rất yên bình với những núi đá tai mèo lừng lững giữa nền trời xanh thẳm, những dãy nhà trình tường, bản Pố Trồ rất đẹp mắt và những con đường rẽ heo hút. Phó Bảng của Hà Giang cũng là nơi trồng nhiều loài hoa như hoa ly, hoa mận, và đặc biệt là sắc thắm của những đóa hoa hồng.

Nhà vua Mèo Vương Chí Sình

Nhà vua Mèo Vương Chí Sình

Đây là quần thể di tích của vua Mèo (người Mông) được xây dựng trong 9 năm, khi xưa được làm bằng đá phiến, phía trước là những cây sa mộc cỡ lớn cả người ôm. Nhà được thiết kế theo phong thủy với mái ngói âm dương cũng như các gian phòng được chia rất rõ ràng, những trụ đá hay cột đều được chạm khắc. Nhà vua Mèo hay còn gọi là Dinh thự họ Vương bởi đây là nơi ở của Vương Chính Đức – người duy nhất được dân tộc Mông tôn sùng làm vua Mèo và được cai quản huyện Đồng Văn. Nhà Vua Mèo nằm ở thung lũng Sà Phìn ở phía cổng chợ Sà Phìn cách QL4C khoảng 500m.

Cột cờ Lũng Cú

Cột cờ Lũng Cú: được xem là điểm tượng trưng của cực Bắc của Việt Nam. Cột cờ được xây dựng trên đỉnh núi Long Sơn (núi Rồng) có độ cao chừng 1.700m so với mực nước biển. Cột cờ Lũng Cú hiện nay có thiết kế kiểu bát giác giống cột cờ Hà Nội với chiều cao 33,15m, trên đỉnh là lá cờ có diện tích 54m2. Là một điểm đến mà mỗi ai khi đên Hà Giang đều phải ghé thăm.

Cột cờ Lũng Cú

Dốc chữ M

Dốc chữ M: là cung đèo có hình chữ M nằm trên đường từ Mèo Vạc về Yên Minh, với con đường uốn lượn qua trùng trùng điệp điệp núi đá tạo nên hình thù kỳ vĩ và đẹp mắt nhưng khách thăm quan cần cẩn thận và cầm chắc tay lái khi đi qua cung đường đầy khúc cua, dốc cao này nhé.

Trên đây là những thông tin cơ bản về Hà Giang tháng 1 mà Vietsense Travel muốn chia sẻ đến các bạn. Chúc bạn có một chuyến đi Hà Giang vui vẻ, trọn vẹn và đầy ý nghĩa. Đừng quên chia sẻ những thông tin trên đây đến bạn bè của mình và hãy thường xuyên cập nhật các bài viết trên trang web của chúng tôi để biết thêm nhiều điều bổ ích về các điểm đến hấp dẫn khác các bạn nhé!

Hà Giang Tháng 1 Mùa Hoa Đào Hoa Mận (Cập Nhật 2025)

Hà Giang Tháng 1 Mùa Hoa Đào Hoa Mận (Cập Nhật 2025)
59 6 65 124 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==