Khác với thu Hà Nội yểu điệu và đượm nét buồn, thu Hà Giang gợi cho người ta nhiều cảm giác an nhiên, phóng khoáng. Cũng lãng mạn nhưng không vương chút buồn. Cũng rực rỡ nhưng đầy nhựa sống của sự sinh sôi nảy nở một cách mạnh mẽ đặc trưng của vùng cao nguyên đá…. mùa hoa cúc dại lại là nét riêng của thu Hà Giang.
Khác với thu Hà Nội yểu điệu và đượm nét buồn, thu Hà Giang gợi cho người ta nhiều cảm giác an nhiên, phóng khoáng. Cũng lãng mạn nhưng không vương chút buồn. Cũng rực rỡ nhưng đầy nhựa sống của sự sinh sôi nảy nở một cách mạnh mẽ đặc trưng của vùng cao nguyên đá…. mùa hoa cúc dại lại là nét riêng của thu Hà Giang.
Cuối tháng 10, đầu tháng 11, mọi nẻo đường đều dẫn về Hà Giang – nơi cực Bắc thiêng liêng của Tổ quốc. Với những người đã trót yêu mảnh đất này thì trên vùng cao nguyên đá Hà Giang này, bốn mùa là bốn bức tranh tuyệt đẹp khác nhau, và mùa nào cũng khiến người ta cảm thấy lưu luyến chẳng muốn rời. Thế nhưng, nếu được chọn một mùa đặc trưng cho vẻ đẹp của Hà Giang, tôi sẽ không ngần ngại khẳng định rằng đó là mùa thu: mùa của tam giác mạch và hoa cúc dại.
Hoa cúc dại là một trong những "đặc sản" của Hà Giang.
Hoa cúc dại còn được gọi là cúc cam, là loại hoa mọc thành bụi xen giữa các phiến đá tai mèo. Loài hoa này không có giá trị nông sản, đồng bào Hà Giang cũng không trồng hoa cúc. Vậy mà khi những nương ngô chỉ còn trơ lại thân cây héo quắt thì cúc dại đã cựa mình trỗi dậy, nhuộm vàng rực rỡ cả một vùng.
Mấy năm gần đây, khi hành trình Hà Giang bắt đầu được đẩy mạnh thì người ta thường nhắc đến tam giác mạch – một thứ hoa dường như đã trở thành “đặc sản” của vùng đất này. Tuy nhiên, phải khẳng định chắc chắn rằng, Hà Giang không chỉ có tam giác mạch mà còn nhiều, rất nhiều những “đặc sản” quyến rũ khác. Trong đó, những bông hoa cúc dại mọc vẩn vơ ven đường cũng là lý do thôi thúc nhiều người đến với mảnh đất địa đầu Tổ quốc.
Dọc con đường đến Đồng Văn tràn ngập sắc vàng của hoa cúc.
Đến Hà Giang vào cuối thu, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hàng vạt cúc nở bung khi đi từ Phó Cáo, Phó Bảng lên thị trấn Đồng Văn, dưới chân đèo Mã Pí Lèng hay trên đường về Mèo Vạc, Sơn Vĩ, Khau Vai. Cúc dại xuất hiện trên khắp các sườn núi chênh vênh, giữa các hốc đá tai mèo sắc lạnh, lang thang cả vào những ruộng tam giác mạch hay kề bên nhau thành tấm thảm lớn hai bên đường. Sở dĩ loài hoa này được nhiều người ưu ái bởi sức sống mạnh mẽ lạ lùng và nét đẹp bình dị mà gần gũi. Hoa mang sắc cam rực rỡ, vừa đủ để nổi bật nhưng không quá phô trương, vừa như một sự thách thức với tự nhiên khắc nghiệt.
Cúc dại được ví như người quân tử vì khi tàn không rụng mà chỉ lụi dần. Những khóm cúc kề bên nhau khoe sắc tượng trưng cho sự đoàn kết của người dân tộc nơi đây, cho dù điều kiện sống có khó khăn đến đâu thì cũng không chịu khuất phục.
Cúc dại là loài hoa mạnh mẽ vươn lên từ đá.
Lang thang Hà Giang những ngày cuối thu, ngắm những vạt cúc dại nở tràn trên nương ngô, sườn núi hay các con đường khúc khuỷu để thêm yêu mảnh đất phương bắc còn nhiều khó khăn.
Tạm biệt cao nguyên đá những ngày cuối thu, xin được “gói” chút sắc cam rực rỡ trong tim và nhớ về Hà Giang bằng tất cả niềm khắc khoải, da diết.