Chiêm ngưỡng vẻ đẹp ruộng bậc thang đây là loại hình canh tác đặc trưng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Giang, đặc biệt ở các huyện phía Tây như Hoàng Su Phì, Xín Mần hay huyện phía Bắc như Yên Minh... Nó gắn với lịch sử của mỗi tộc người bản địa và là kết quả của quá trình lao động, đúc kết kinh nghiệm và sáng tạo đưa cây lúa nước lên canh tác trên đồi cao – Phương thức canh tác nông nghiệp kết hợp giữa nương rẫy và ruộng nước.
Để có được những thửa ruộng bậc thang, người dân thường chọn những mảnh đất dưới chân đồi hoặc trên sườn núi, đất không dốc quá 50 độ và có nguồn nước tự nhiên nằm cạnh những con mương, khe suối... Khi thời tiết thuận lợi, người ta mới tiến hành khai khẩn, thường vào mùa Xuân (Từ tháng 1 – tháng 3) để có thể tháo nước vào sử dụng ngay trong tháng 4 – tháng 5 cho kịp thời vụ. Tạo ra được thửa ruộng phải bắt đầu từ khâu chọn đất dựa theo địa thế của đồi, núi, rồi phát dọn cỏ cây, sau đó mới tiến hành đào và san mặt bằng ruộng. Việc đào và san ruộng là khâu kỹ thuật đòi hỏi cao về các kỹ năng và kinh nghiệm trong việc khai khẩn ruộng bậc thang được truyền tiếp từ đời này sang đời khác. Ruộng đạt tiêu chuẩn phải đủ 2 tiêu chí cơ bản là mặt bằng ruộng và nguồn nước đảm bảo ổn định ngâm chân cho cây lúa. Độ chênh lệch giữa thửa trên và thửa dưới phụ thuộc theo địa hình dốc ít hay nhiều, nhưng độ cao thì phải vừa tầm không được cao quá, trung bình chỉ từ 1,5 m đổ lại.
Ruộng bậc thang dàn trải khắp các huyện trên địa bàn tỉnh và tập trung nhiều nhất ở các huyện phía Tây như: Hoàng Su Phì, Xín Mần. Đặc biệt, khu danh thắng ruộng bậc thang huyện Hoàng Su Phì đã được xếp hạng Quốc gia bởi có vẻ đẹp hoang sơ gắn với văn hóa lịch sử của người dân nơi đây. Theo con số thống kê, Hoàng Su Phì có trên 3.600 ha ruộng bậc thang trải dài trên 25 xã, thị trấn. Trong đó, trên 760 ha ruộng bậc thang của 6 xã (Nậm Ty, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Bản Luốc, Bản Péo, Bản Nhùng) được xếp hạng vùng danh thắng Quốc gia. Ở Xín Mần ruộng bậc thang trải dọc theo tuyến tỉnh lộ 177 và 178, từ xã Nà Chì, Nấm Dẩn, Bản Díu, Thèn Phàng. Hay ở huyện phía Bắc như Yên Minh, ruộng bậc thang trải dài trên Quốc lộ 4C thuộc các xã Na Khê, Bạch Đích, Lao Và Chải. Nét nổi bật của ruộng bậc thang là lúc vào mùa vụ rộn lên những âm hưởng của sắc màu: Mầu nâu của đất, mầu xanh của mạ, màu trang phục của con người, rồi tiếng gọi nhau, tiếng mõ trâu, tiếng nước... Tất cả như rội lên bản hợp ca của nông thôn miền núi. Đến mùa lúa chín, ánh vàng rực rỡ trải rộng trên các sườn đồi, bất kỳ ai thấy cũng ngỡ ngàng về “Một bức tranh nghệ thuật” mà tác giả của nó chính là những người nông dân đã tạc lên “Bức tranh” kỳ vĩ. Có thể nói đó là kiệt tác mà con người dựa vào thiên nhiên để kiến tạo, những thửa ruộng bậc thang không chỉ đẹp mà còn là “vựa thóc” của người dân vùng cao, bằng cách dựa vào điều kiện của thiên nhiên để khai thác, canh tác hiệu quả mang lại cuộc sống ấm no.
Canh tác ruộng bậc thang là loại hình canh tác độc đáo trong hoạt động nông nghiệp truyền thống của người dân ở vùng cao, với kiểu canh tác lúa nước trên địa hình đồi núi với hệ thống dẫn nước và giữ nước rất tinh vi đảm bảo cho sự sinh trưởng của cây lúa. Hơn thế nữa, ruộng bậc thang không chỉ là một hoạt động nông nghiệp truyền thống nuôi sống con người mà xoay quanh loại hình này còn có nhiều yếu tố văn hóa, xã hội và phong tục tập quán, tín ngưỡng của vùng cao.