Rượu ngô là đặc sản của đồng bào dân tộc các tỉnh vùng cao Tây Bắc như: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai… Nấu rượu trở thành thú vui và là nét văn hóa đậm màu bản sắc của đồng bào dân tộc nơi đây.
Không chỉ đàn ông, đàn bà mà cả thanh niên cũng rất thích thú với việc nấu rượu ngô, việc nấu rượu ngô thường đường người phụ nữ trong gia đình đảm nhận. Rượu ngô mang nhiều giá trị về văn hóa, thổ nhưỡng, là thức uống bản địa phổ biến của đồng bào vùng cao nguyên đá Hà Giang.
Trong mỗi phiên chợ, ngoài những thứ nông sản phục vụ đời sống, một “đặc sản” không thể thiếu được thường xuyên trao đổi buôn bán và dùng ngay tại chỗ là rượu ngô.
Rượu ngô làm nóng những phiên chợ vùng cao và không thể vắng bóng trong khu bán đồ ăn tại các phiên chợ. Không ồn ào náo nhiệt, không lời qua tiếng lại mà chỉ có tiếng leng keng cùng những cái bắt tay ấm áp.
Khu bán rượu được tập trung riêng ở góc chợ, những can rượu 10 lít, 20 lít xếp thành hàng dài.
Ở đây, người bán hàng đa số là phụ nữ. Rượu được nấu từ loại ngô bản địa kết hợp bằng thứ men lá truyền thống có mùi hơi khét, nên khi uống vào có vị ngọt đượm, thơm, không bị gắt. Độ rượu trung bình khoảng 25-30.
Rượu bán trực tiếp tại chợ được đong bằng chiếc ca, sau đó sẽ dồn vào can lớn nhỏ.
Trước khi mua rượu tại chợ, người mua có thể tha hồ thử sau đó chọn. Với người có tửu lượng kém, thử từ đầu gian hàng đến cuối gian hàng cũng có thể say.
Tới chợ, không chỉ có đàn ông, mà cả phụ nữ cũng thoải mái thưởng thức chút cay nồng.
Trong bất kỳ phiên chợ nào trên cao nguyên đá cũng có một đến hai dãy bán rượu ngô, thực khách cứ việc đi nếm thử các can rượu cho đến khi chọn được loại ưng ý. Nếu không mua người bán vẫn vui vẻ chào mời. Chiếc nắp can nhựa đựng rượu mời chào người đàn ông đi qua khu bán rượu.
Tháng 4 hàng năm là thời điểm thu hoạch ngô chín, những bắp ngô vàng óng được treo trên xà nhà để tránh ẩm mọt, dùng được lâu. Ngô hàng ngày sử dụng để làm mèn mén, thức ăn cho vật nuôi, số còn lại được ủ làm rượu. Rượu ngô làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình hoặc tiếp khách, gia đình nào nhiều mới có rượu đem bán.
Khi men nồng đã đượm, những người bạn thoải mái chia sẻ câu chuyện đời thường sau một tuần lao động.
Hai người đàn ông dân tộc Mông ngồi hàn huyên, giữa những người người tấp nấp mua bán, đi lại trong chợ Đồng Văn buổi sớm.
Trong mỗi dịp chợ phiên của cao nguyên đá, rượu ngô mới là thứ níu chân đàn ông, đàn bà, trai gái, già trẻ ở lại chợ cho đến xế chiều.