==HOTLINESHOW== ==HOTLINESHOWOTHER==

Các lễ hội của đồng bào vùng cao Hà Giang không có quy mô rộng lớn như những lễ hội vùng xuôi nhưng với những giá trị nguyên bản, nó đã tạo nên nét đặc sắc riêng, độc đáo. Phần 3 của bài viết, chúng tôi tiếp tục giới thiệu đến các bạn nhưng lễ hội đặc sắc trong chuyến hành trình ha giang: lễ hội cấp sắc, lễ hội lồng tồng, lễ hội đấu ngựa, lễ hội cầu trăng.

Lễ Hội Cấp Sắc

Trong các nghi lễ truyền thống của người Dao có một nghi lễ đặc biệt được gọi là lễ Cấp sắc hay lễ Lập tịnh chỉ có ở nam giới, cho đến nay vẫn được bảo tồn và duy trì. Người Dao quan niệm, đàn ông nếu chưa trải qua lễ cấp sắc thì dù già vẫn coi là trẻ con vì chưa có thầy Cấp sắc, chưa được cấp đạo sắc, chưa có tên âm. Người đã qua Cấp sắc dù ít tuổi vẫn được coi là người trưởng thành, được tham gia vào các công việc hệ trọng của làng, được giúp việc cho thầy cúng.

Lễ Hội Cấp Sắc

Họ cũng quan niệm rằng có trải qua lễ Cấp sắc mới biết lễ phải trái ở đời, mới đích thực là con cháu Bàn Vương, khi chết hồn mới được đoàn tụ với tổ tiên. Nếu gạt bỏ những yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng thì lễ Cấp sắc có tính giáo dục rất lớn, thể hiện qua những lời giáo huấn hướng tới việc thiện, không làm điều ác. Các điều giáo huấn được thực hiện bằng lời thề dưới sự chứng kiến của tổ tiên và các quan âm binh nên tính giáo dục càng có giá trị. Lễ Cấp sắc thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng hàng năm, vì đây là thời gian nhàn rỗi. Ngày thụ lễ được lựa chọn rất kĩ, người Dao Đỏ, Dao Tiền thường làm lễ cấp sắc từ độ tuổi 12-30, có khi đến già, trong khi đó ở người Dao Áo Dài là 11-19 tuổi. Người Dao Đỏ có thể tổ chức Cấp sắc cho một đợt tối đa 13 người (nếu ít hơn phải theo số lẻ) và ở nhà trưởng họ; người Dao Áo Dài mỗi lần chỉ cấp sắc cho một người và tại nhà người đó. Gần đến ngày lễ, gia đình phải cử người mang lễ vật đi mời thầy cúng, người được thụ lễ phải kiêng hò hát, cãi nhau, ngủ chung... Để phục vụ lễ nghi và khoản đãi dân làng đến chứng kiến, các gia đình có người thụ lễ phải chuẩn bị các vật thiết yếu như lợn, thóc gạo, rượu, y phục thầy cúng... Mỗi nhóm Dao có một cấp bậc cấp sắc: người Dao Đỏ và Dao Áo Dài cấp 7 đèn, Dao Tiền cấp 3 đèn. Mỗi lễ cấp sắc phải có 6 thầy cúng đảm nhiệm các nhiệm vụ và các nghi lễ lớn nhỏ khác nhau. Các thầy cúng trước khi hành lễ đều phải cúng ma ở bàn thờ tổ tiên nhà mình để xin được phù hộ và đi theo giúp đỡ. Tại nơi hành lễ, họ treo tranh Ngọc Hoàng và các vị thần thánh của người Dao, lập bàn thờ tổ tiên người thụ lễ và bàn thờ các thần thánh. Khi hành lễ, các thầy cúng phải thực hiện rất nhiều bài cúng, múa, điệu bộ phép thuật theo sách cấp sắc; người thụ lễ, có khi cả vợ anh ta cũng phải thực hiện nhiều động tác nghi lễ theo sự chỉ dẫn của các thầy. Khác với nhóm Dao Đỏ và Dao Tiền, người Dao Áo Dài có một nghi thức gọi là hóa kiếp khá đặc biệt. Theo đó, người thụ lễ phải ngồi xổm, bất động, các ngón tay bắt vào ngón chân khoảng một giờ đồng hồ, rồi mới được thầy đẩy nhẹ cho rơi xuống một cái võng có 3-4 người đỡ. Làm xong lễ hóa kiếp là lễ giáo huấn, lễ thề và lễ đặt tên cấp sắc. Ở tất cả các nhóm Dao, sau khi thực hiện đầy đủ các nghi thức phức tạp và đã cấp sắc cho người thụ lễ xong, các thầy cúng đều phải cúng tạ ơn tổ tiên, thần thánh đã đến dự thì nghi lễ mới kết thúc.

Lễ Hội Lồng Tồng

Lễ hội Lồng Tồng Của Dân Tộc Tày, lễ hội dân gian truyền thống được tổ chức vào những ngày đầu tháng giêng hàng năm của người dân địa phương để cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ. Chính vì vậy, ngay từ sáng sớm bà con đồng bào dân tộc đã đến rất đông tham gia lễ hội. Lễ hội được chia làm 2 phần đó là phần lễ và phần hội.

Lễ Hội Lồng Tồng

Phần lễ là các nghi thức cúng lễ của thầy cúng có uy tín, được dân làng tin tưởng đọc các bài khấn vàcầu thần Nông, thần Núi, thần Suối… Những vị thần bảo hộ cho mùa màng và sức khỏe, sự bình yên của dân làng. Sau phần lễ là phần hội, mở đầu là những tiết mục văn nghệ đặc sắc như hát then, hát cọi của các chàng trai, cô gái đến từ các thôn trong xã. Sau đó, nội dung tung còn được diễn ra nhộn nhịp trên mảnh ruộng lớn. Đây là trung tâm của lễ hội. Những quả còn nhỏ xinh với nhiều tua rua có màu sắc sặc sỡ được tung lên trời hướng tới tâm của vòng tròn được dán giấy hồng 2 mặt uốn trên đỉnh cây mai cao khoảng 25m dựng giữa mảnh ruộng. Đông đảo thanh niên trai gái đua nhau so tài khéo léo. Ai ném quả còn lọt qua được vòng tròn sẽ là người thắng cuộc và may mắn nhất trong năm. vòng tròn được ném thủng cũng có nghĩa là mang lại một năm mới đủ đầy, no ấm và hạnh phúc cho tất cả người dân trong bản. Ngoài ra, lễ hội còn có nhiều trò chơi khác như: Thi cày ruộng, kéo co, đẩy gậy, ném còn được đông đảo bà con tham gia, Tiết mục kéo co được đông đảo người dân tham gia, Tiết mục đẩy gậy để chọn ra những người khỏe nhất, Thi cày ruộng là nét văn hóa không thể thiếu trong lễ hội Lồng Tồng.

Lễ Hội Đấu Ngựa

Tham gia Chương trình Hà Giang để thưởng thức lễ hội đấu ngựa truyền thống độc đáo. Đua ngựa đã có từ rất lâu, thế nhưng đấu ngựa lại là một truyền thống chỉ có duy nhất tại xã Bằng Hành huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.

Ngày 17 và 18 -8, UBND xã Bằng Hành và Công ty TNHH Hướng Dương đã tổ chức giải đấu ngựa lần thứ nhất tại khu nghỉ dưỡng sinh thái Thủy Lâm Viên thuộc xã Bằng Hành huyện Bắc Quang tỉnh Hà Giang. Giải đấu này vốn truyền thống của địa phương nhưng đã thất truyền từ khá lâu.

Với 30 con tuấn mã được tuyển lựa qua vòng sơ khảo. Giải đấu ngựa chính thức, với 15 cặp ngựa của chủ ngựa tại các xã thuộc tiểu khu Trọng Con, các huyện trong tỉnh và các huyện bạn như Lâm Bình, Nà Hang, Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang, huyện Bắc Hà tỉnh Lào Cai, huyện Lục Yên tỉnh Yên Bái tham gia thi đấu.

Thể thức thi đấu loại trực tiếp để chọn lựa các cặp ngựa chiến thắng thi đấu vòng chung kết.

Cũng như nhiều người dân khác đang rất háo hức xem giải đấu ngựa, ông Lương Trung Nghĩa đã đến từ rất sớm để thưởng thức những màn thi đấu quyết liệt và độc đáo có một không hai này. Ông cho hay: “Truyền thống đấu ngựa của đồng bào Tày thuộc tiểu khu Trọng Con đã có từ xa xưa, nhưng do nhu cầu đời sống đã bị mai một dần bản sắc này. Hôm nay người dân chúng tôi vô cùng phấn khởi khi được tham dự lại lễ hội chọi ngựa này”.

Ông Vũ Văn Phú – một chủ ngựa tại Hàm Yên – tỉnh Tuyên Quang, cho hay: “Việc khôi phục giải đấu ngựa với quy mô hoành tráng đã góp phần lưu giữ truyền thống quý báu của dân tộc Tày nên chắc chắn chủ ngựa chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia giải đấu này hằng năm”.

Giải đấu ngựa xã Bằng Hành lần thứ nhất đã thu hút đông đảo khán giả khắp vùng Tiểu khu Trọng Con, cùng người dân trong và ngoài tỉnh đến cổ vũ.Lễ Hội Đấu Ngựa

Theo ban tổ chức, giải đấu ngựa thường niên sẽ được tổ chức vào rằm tháng giêng và rằm tháng 7 âm lịch hằng năm tại khu thăm quan sinh thái Thủy Lâm Viên để phục vụ bà con và Lữ khách thập phương. Kết thúc giải đấu ban tổ chức đã trao các giải Nhất, Nhì, Ba và giải phong cách cho các chú tuấn mã và chủ ngựa tham gia giải đấu.

Lễ Hội Cầu Trăng

Đến với Hà Giang trong những ngày Rằm tháng Tám âm lịch, khách thăm quan sẽ có dịp chứng kiến lễ hội cầu Trăng hết sức độc đáo của đồng bào Tày ở thôn Bản Loan, xã Yên Định huyện Bắc Mê.

Từ bao đời nay, với lễ hội dân gian mang đậm màu sắc tâm linh này, đồng bào Tày ở thôn Bản Loan thường duy trì tổ chức với ý nghĩa đón mẹ Trăng và các nàng tiên xuống vui Tết Trung Thu. Mẹ Trăng ban phước lành cho dân bản, cầu cho mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, cuộc sống trong bản luôn bình an và gặp nhiều may mắn. 

Lễ Hội Cầu Trăng - Ảnh 1

Được tổ chức vào đúng ngày Rằm tháng Tám (Tết Trung Thu), Lễ hội cầu Trăng có hai phần lễ và hội. Phần lễ thường được tổ chức vào tối 14/8 âm lịch trên một bãi đất rộng với các nghi thức "cúng thổ công chúa bản" tại ngôi miếu chung để xin phép cho dân bản được tổ chức lễ hội cầu Trăng vào đêm hôm sau.

Lễ vật gồm thịt, rượu, các loại bánh, xôi nhuộm ngũ sắc. Sau khi thực hiện xong nghi lễ trình báo mẹ Trăng và 12 nàng tiên, già làng tiến hành các nghi lễ cầu phúc, cầu may, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi; mời mẹ Trăng và các nàng tiên về ban mùa màng và phước lành cho dân bản. 

Đêm hôm sau, đúng vào ngày Rằm tháng Tám, khi mẹ Trăng lên khỏi đỉnh núi và bắt đầu tỏa sáng xuống bản làng, tất cả bà con tập trung ở sân. Lúc này thầy cúng tiến hành cúng thổ công và các thần linh, các nghệ nhân cúng tế múa vòng quanh giàn cúng khi khai hội đón Trăng. 

Lễ Hội Cầu Trăng - Ảnh 2

Sau khi đã làm lễ cầu mẹ Trăng và các nàng tiên ban cho các cây, con giống tốt, gặp nhiều điều kiện thuận lợi trong gieo trồng, sản xuất chăn nuôi, tất cả bà con trong bản quây quần uống rượu, múa hát quanh xung bàn lễ. Trai gái đều mặc những trang phục đẹp nhất, nhất là các cô gái trở nên xinh đẹp nổi bật với những trang sức bằng vòng tay, vòng cổ và xà tích bằng bạc. Họ say sưa hát những làn điệu dân ca, tiếng hát cọi, hát yếu... chan chứa tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi hạnh phúc lứa đôi. 

Khi đến với lễ hội cầu Trăng, không chỉ được nghe hát những làn điệu dân ca, các trò chơi dân gian, Lữ khách còn được thưởng thức các món ẩm thực truyền thống của bà con dân tộc Tày như cơm lam, các món rau rừng, mắm thịt lợn, mắm cá chép ruộng, trám muối, xôi ngũ sắc, măng chua, trám đen chấm với muối vừng. 

Đêm hội cầu Trăng kết thúc khi mẹ Trăng lên giữa đỉnh đầu, cả bản lưu luyến làm lễ tiễn mẹ Trăng về trời, sau đó họ lại tiếp tục ngân nga trong câu hát then, hát cọi đầy sức lôi cuốn lòng người. Kết thúc buổi lễ, già làng sẽ phát các hạt giống cho con cháu, cầu cho tất cả bà con trong bản một vụ mùa gieo trồng thuận lợi, mùa màng bội thu, dân bản no ấm.

Những Lễ Hội Đặc Sắc Tại Hà Giang ( P2 )

Những Lễ Hội Đặc Sắc Tại Hà Giang ( P2 )
22 2 24 46 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==