==HOTLINESHOW== ==HOTLINESHOWOTHER==

Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này nhiều địa danh, thắng cảnh tuyệt đẹp, đây là một tiềm năng rất có giá trị. Ngoài phong cảnh núi non hùng vĩ, những di tích lịch sử văn hoá cùng với nét văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Tham gia chương trình khách thăm quan còn được thưởng thức những đặc sản nổi tiếng mang đậm nét hương vị vùng cao. Phần 2 của bài viết, chúng tôi tiếp tục giới thiệu đến các bạn những món ăn hấp dẫn tại đây: chè San Tuyết, lạp xường vùng cao, thắng cố, thịt bò khô Đồng Văn.

Chè San Tuyết

Hà Giang là một trong những tỉnh có vùng chè Shan lâu đời nhất nước ta. Ngay từ những năm đầu thế kỷ 20, người Pháp đã tiến hành điều tra chè ở Hà Giang và đặc biệt chú ý những cây chè cổ thụ vùng cao. Đó là thứ chè Shan lá to, búp và lá non có nhiều lông trắng như tuyết, sinh trưởng khoẻ, chịu ẩm, chịu lạnh, năng suất cao và chất lượng tốt. Vì vậy, người ta còn gọi là chè Shan tuyết.

Trong các khu rừng tự nhiên của Hà Giang, cây chè Shan mọc lẫn với các loại cây rừng khác. Quá trình du cư đến sinh sống, đồng bào phá rừng làm nương và giữ lại các cây chè, tiếp tục khai thác. Có những nơi, đồng bào còn trồng bổ sungbằng hạt, tạo nên những nương chè hỗn giao theo dạng chè rừng.

Chè San Tuyết - Ảnh 1

 

Hà Giang, chè shan phân bố hầu khắp các huyện, trong đó các vùng chè cổ thụ đều có độ cao từ 300-1000m. Cho đến nay, một số vùng trong tỉnh có tính đặc trưng cao cho các tiểu vùng sinh thái có chè shan như: Lũng Phìn- Đồng Văn đại diện cho vùng cao núi đá vôi; Phìn Hồ- Hoàng Su Phì đại diện cho vùng cao núi đất; Tham Vè, Bó Đướt- Vị Xuyên đại diện cho vùng chè cổ nhất Việt Nam. Đây cũng chính là những địa phương có sản phẩm chè shan tuyết thơm ngon nổi tiếng. Danh tiếng của chè shan tuyết Lũng Phìn hay Phìn Hồ, Cao bồ, Thượng Sơn không chỉ chinh phục được người tiêu dùng mà cả với những người sành thưởng thức trà.

Ngoài những chỉ tiêu sinh hoá ở mức rất có lợi cho chế biến chè chất lượng cao, chè shan Hà Giang là nguồn nguyên liệu sạch. Bởi vì, cho đến tận bây giờ, ở các vùng chè shan lâu đời của Hà Giang, đồng bào vẫn không sử dụng phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật mà chủ yếu là khai thác tự nhiên. Người ta thường đốn chè vào vụ Đông, đồng thời với việc phát cỏ, vun gốc… Sang xuân, vào thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4, người ta bắt đầu thu hái chè vụ đầu tiên đây là thời điểm chè cho chất lượng cao nhất. Tiếp tục thu hái vụ chè thứ 2 vào tháng 5 và tháng 6 là vụ có năng suất cao nhất trong năm. Vụ 3 vào tháng 8 và vụ 4 vào tháng 10, tháng 11. Vì vậy, có thể khẳng định chè shan Hà Giang là vùng nguyên liệu có giá trị để sản xuất chè an toàn chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường, phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững hiện nay.

Chè San Tuyết - Ảnh 2

 

Chè shan Hà Giang là nguồn nguyên liệu sạch cho sản xuất chè chất lượng cao đã được các nhà sản xuất trong nước và thế giới công nhận. Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng cho thương hiệu chè shan tuyết Hà Giang thì công nghệ chế biến phải được đặt lên hàng đầu. Với nguồn nguyên liệu tuyệt vời như chè shan Hà Giang cộng với công nghệ chế biến hiện đại đảm bảo sẽ cho ra đời những sản phẩm chè không thua kém bất cứ danh trà nào trên thế giới.

Lạp Xường Vùng Cao

Mỗi dịp tết đến, đã thành lệ, cứ đến khoảng 27, 28 tháng Chạp, người dân khắp các bản làng lại nô nức rủ nhau mổ lợn. Cứ hai, ba nhà chung nhau đụng một con. Thịt để làm nhân bánh chưng, làm các món kho, nướng, quay, luộc… ăn trong mấy ngày tết. Và bao giờ người ta cũng dành ra một ít lòng non, một phần thịt để làm lấy một vài cân lạp xường có nơi còn gọi là lạp xưởng hay lạp sườn.

Để làm nhân lạp xường người ta chọn loại thịt nửa nạc nửa mỡ. Bởi nạc nhiều, lạp xường sẽ khô, sác; mỡ nhiều, lạp xường sẽ nhão, ăn mau ngấy nên loại thịt thích hợp nhất để làm lạp xường là thịt vai. Thịt được lạng bỏ lớp bì, thái miếng vừa phải, ướp muối, đường, bột ngọt. Và không thể thiếu một ít rượu trắng, một ít nước gừng và một ít quả mắc mật khô xay nhỏ ướp cùng. Theo kinh nghiệm của đồng bào nơi đây thì ướp thịt với rượu trắng và nước gừng như vậy khiến cho lạp xường sẽ có mùi thơm rất đặc trưng, để được lâu mà không bị hỏng.

Công việc phức tạp nhất là nhồi lạp xường. Với một chiếc phễu và một chiếc đũa, từ từ dồn thịt vào cho đầy phần lòng non đã chuẩn bị. Để dễ làm, cứ nhồi được chừng hai ba mươi phân thì buộc lại thành khúc. Thỉnh thoảng lại lấy kim châm vài chỗ cho khí thoát ra để lạp xường khỏi nứt. Nhồi xong thì đem lạp xường đi phơi nắng cho khô dần. Hoặc đem hong trên gác bếp. Hơi ấm của bếp lửa sẽ làm lạp xường se lại, săn chắc. Lạp xường được nắng, được hơi lửa, cứ ánh lên màu đỏ hồng của thịt nạc xen những đường vân trắng ngà của thịt mỡ trông thật hấp dẫn. Ngày 27, 28 làm lạp xường thì khoảng mồng 2, mồng 3 tết là ăn được.Lạp Xường Vùng Cao

Lạp xường khi đã khô thì để nguyên cả khúc đem chiên cho chín sau đó mới thái lát, khi ăn chấm với mắm gừng. Hoặc thái lạp xường thành các khoanh dầy vừa phải, chờ cho mỡ trong chảo thật nóng già thì cho lạp xường vào, đảo lên, rưới thêm ít nước mắm, rắc thêm chút hành tươi. Đĩa lạp xường thơm phức, mới trông đã thấy thèm. Cho nên ngày tết, dù có bao món ngon, lạp xường vẫn là món được mọi người đụng đũa nhiều hơn cả.

Lạp xường có mùi của nắng vùng cao, mùi của khói bếp, thoảng mùi gừng, mùi rượu, mùi mắc mật thơm một cách đặc biệt. Vị dai của lòng, vị ngọt của thịt nạc, vị béo của mỡ hòa quyện với nhau, ăn thật ngon miệng. Nhấp thêm chút rượu nữa thì càng thêm khoái khẩu.

Thắng Cố Đồng Văn

Lên vùng cao nguyên cực Bắc mà chưa thưởng thức món thắng cố và uống chén rượu ngô thì coi như vẫn chưa thấy được nét văn hóa đặc trưng của đất và tình người cao nguyên đá.

Chợ phiên Đồng Văn mỗi tuần duy nhất họp một phiên vào ngày chủ nhật, cảnh tượng người người tấp nập xuống núi đi “chơi chợ” khiến khu chợ nhỏ bé, tĩnh lặng bỗng nhiên đông vui và náo nhiệt khác hẳn ngày thường.

Đồng bào đến chợ không chỉ để mua bán, trao đổi hàng hoá thông thường mà chợ phiên còn để mọi người gặp nhau, giao lưu trò chuyện, phụ nữ thì khoe sắc trong những bộ váy áo thổ cẩm sặc sỡ, nam giới thì khoe tài trong tiếng sáo, tiếng khèn gọi bàn tình....và hơn tất cả mọi người không quên ăn một tô thắng cố nóng hổi, nghi ngút khói và uống chén rượu ngô mềm môi thơm lừng.

Thắng Cố Đồng Văn

Vào ngày chợ phiên hàng quán bán thắng cố bao giờ cũng được đồng bào tập trung đông đúc và náo nhiệt nhất, từng tốp nam nữ quây quần bên bàn gỗ đơn sơ, trò chuyện hàn huyên, khi men rượu đã đủ làm người ta say men nồng thì cũng là lúc khu chợ nhỏ bé vui và hay nhất, các đấng tu mi nam nhi bắt đầu gửi tâm tình trong tiếng sáo, tiếng khèn làm ngây ngất bao tâm hồn các thiếu nữ miền sơn cước, chén rượu ngô cũng đủ để làm cho đôi má thiếu nữ ửng hồng... đã có những đôi nam nữ nên vợ thành chồng chính từ phiên chợ như thế này.

Thắng cố là món ăn phổ biến của nhiều đồng bào dân tộc ở các tỉnh miền núi cao phía Bắc, mỗi vùng, mỗi dân tộc có cách chế biến và những gia vị khác nhau cho chảo thắng cố truyền thống của dân tộc mình, tuy nhiên về cơ bản đều có những nét chung. Nguyên liệu chính cho chảo thắng cố là toàn bộ phần nội tạng (lục phủ, ngũ tạng), xương của trâu, bò, ngựa hay dê đem cho tất cả vào chảo xào qua lửa rồi đổ nước vào ninh kỹ trong nhiều giờ, đến khi các thứ chín nhừ thì điều chỉnh nhỏ lửa hơn.

Điều đặc biệt là đồng bào rất ít khi làm thắng cố lợn mà chỉ có thắng cố trâu, bò, ngựa, dê. Các loại gia vị cho chảo thắng cố cũng là những sản vật tự nhiên trong vùng như thảo quả, củ sả, hạt dổi, địa liền, khi ăn thì cho thêm ớt, hạt tiêu và đương nhiên là không thể thiếu rượu ngô.

Mới nhìn qua thì có vẻ chảo thắng cố không mấy hấp dẫn và lôi cuốn bởi đồng bào bầy biện không được đẹp mắt lắm nhưng khi đã nhấp đôi ba chén rượu ngô ăn một tô thắng cố nóng nghi ngút khói giữa cái giá rét như cắt da cắt thịt, cảm nhận lòng mình như ấm lên nhiều. Vị béo ngậy cộng chút bùi bùi độc đáo khác lạ, bát thắng cố dậy mùi thơm từ các loại gia vị đã để lại nhiều ấn tượng với nhiều lữ khách khi đến với miền cực Bắc này.

Thịt Bò Khô Đồng Văn

Thịt bò khô là một dạng thực phẩm dự trữ độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số ở các tỉnh vùng cao phía Bắc nói chung và Hà Giang nói riêng. Với cư dân vùng cao và khách thăm quan thịt bò khô đã trở thành món đặc sản mà bất cứ Lữ khách nào đặt chân đến vùng đất này đều muốn mua về làm quà cùng với mật ong, tam thất...

Có thể nói thịt bò khô là một đặc sản quý của miền cao nguyên đá Đồng Văn. Bởi cách chế biến món ăn này khá công phu và mất nhiều thời gian. Đầu tiên người ta chọn loại thịt bò tươi, ngon mà tốt nhất là thịt bắp bò. Thái thịt theo thớ dọc rồi ướp gia vị gồm muối, tỏi, ớt, rượu… Đợi cho gia vị thấm và từng thớ thịt, lấy que tre xiên và mang thịt đi hong khói hoặc sấy khô bằng than củi. Cách làm này là để có thịt ăn ngay. Còn với đồng bào các dân tộc nơi đây, họ thường treo thịt lên gác bếp để khói hun thịt một cách tự nhiên. Càng để lâu thì thịt càng quắt lại và càng chín.

Thịt Bò Khô Đồng Văn

Tuy nhiên để có được một kg thịt bò khô nguyên chất, đúng kiểu của đồng bào, cần có sự chuẩn bị, lựa chọn nguyên liệu, pha ướp gia vị hợp lý. Thịt bò khô đúng kiểu vùng cao phải có màu nâu óng, mặt ngoài vương bồ hóng, ám khói, dai, thơm.

Cao nguyên Đồng Văn, Hà giang vốn là một bình nguyên núi đá vôi rộng lớn, nơi nhiệt độ mùa đông đôi khi xuống thấp đến 3 - 4 độ C. Việc chăn nuôi đại gia súc chịu lạnh tốt như bò rất phát triển. Thịt bò trở thành thứ thực phẩm chủ yếu giàu chất dinh dưỡng, có thể sơ chế để dự trữ trong những ngày kham hiếm thực phẩm, những ngày mùa đông lạnh.

Những Món Ăn Hà Giang Hấp Dẫn ( P2 )

Những Món Ăn Hà Giang Hấp Dẫn ( P2 )
35 3 38 73 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==