Là nơi tập chung rất nhiều những sản vât tự nhiên hấp dẫn mà không nơi nào có được. Những sản phẩm từ thiên nhiên qua bàn tay của đồng bào dân tộc vùng cao, trở thành những món ăn không thể thiếu trong đời sống của họ và đã trở thành điểm hấp dẫn những ai đến với mảnh đất này. Phần 3 của bài viết, công ty Vietsense tiếp tục giới thiệu đến các bạn những món ăn và đặc sản hấp dẫn.
Rượu Ngô Thanh Vân
Rượu ngô Thanh Vân là sản phẩm tuyệt hảo của bà con dân tộc Mông được chưng cất từ nguồn nước ở độ cao trên 1.000 m so với mặt nước biển và thứ men làm từ 36 loại lá thuốc đã gây dựng được thương hiệu.
Từ xa xưa, Thanh Vân đã là vùng sản xuất rượu ngô nổi tiếng của huyện vùng cao Quản Bạ Hà Giang, rượu được các hộ gia đình nấu, đóng can bán tràn ngập chợ phiên. Khách từ mọi miền lên Hà Giang, người Hà Giang ra bên ngoài cũng tìm mua rượu Thanh Vân làm quà.
Có 2 yếu tố tạo nên sự độc đáo của rượu ngô Thanh Vân, đó là nguồn nước và men. Nguồn nước nấu rượu được khơi mạch từ đỉnh núi giáp biên giới Việt - Trung với độ cao khoảng 1.000 m so với mặt nước biển. Dòng nước chảy qua nhiều khe đá, khi về đến Thanh Vân nó trong suốt như nước khoáng đóng chai, lạnh khoảng 15 độ. Khi người dân dùng nguồn nước này và men hảo hạng được tạo lên bởi hàng chục thứ lá thuốc hái từ rừng già để nấu rượu sẽ cho ra sản phẩm thơm, ngon tuyệt hảo.
Đặc sản rượu ngô Thanh Vân nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nội tỉnh. Muốn có rượu ngon, phải kiếm đủ 36 loại lá rừng sau đó thái nhỏ, trộn với bột ngô, bột kê, men cũ để khoảng 1 ngày đêm, khi ra mốc trắng thì xếp ủ khoảng 2 ngày rồi phơi khô. Hạt ngô làm rượu phải nấu nát, trộn men, ủ 2 ngày đêm, sau đó cho vào chum ủ 5-6 ngày mới chưng cất. Việc nấu rượu phải tuân thủ đúng quy trình, qua nhiều công đoạn theo phương pháp cổ truyền.
Nếu dưới xuôi, miếng trầu là đầu câu chuyện thì ở trên vùng cao này bát rượu là đầu câu chuyện. Không phải ngẫu nhiên mà người dân tộc đi chợ Phiên, hầu như ai cũng rẽ qua hàng rượu. Riêng cái cung cách người ta đi chợ đã khác người dưới xuôi rồi. Ai cũng mặc bộ cánh đẹp, đi chợ mà nô nức như đi hội. Bởi đến chợ là họ được gặp gỡ, trao đổi, được ngồi tâm tình với nhau giữa chợ. Vợ cứ đi bán hàng, chồng cứ ngồi cà kê chén rượu, rít điếu thuốc lào. Hết hàng cả nhà ngồi ăn thắng cố giữa chợ với nhau.
Ngày nay, rượu ngô Hà Giang đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, có nhiều loại khác nhau nhưng có lẽ nổi tiếng được mọi người biết đến là rượu ngô Thanh Vân ở Quản Bạ. Giữa tiết trời giá lạnh, sương núi giăng giăng, ngồi quán nhỏ nơi phố đá xuýt xoa bên tô cháo ấu tẩu nóng, hay chảo thắng cố thơm lừng, thêm một chút rượu ngô mềm môi – thật thú vị và ấm lòng lữ khách.
Cam Sành Bắc Quang
Cam sành Bắc Quang là sản vật của núi rừng và sự kỳ công chăm sóc của người dân.
Cứ mỗi độ cuối năm, trong cái rét vẫn còn miên man, ấy là thời điểm những trái cam sành Bắc Quang rộ chín vàng rực. “Vùng” cam lớn nhất của tỉnh trở nên sôi động hơn, bởi những chuyến xe xuôi ngược, mang theo hương vị của miền đất trù phú này. Đã từ lâu, cam sành trở thành một đặc sản nức tiếng mỗi khi người đi xa về gần nhắc đến đất Bắc Quang, thứ đến mới là chè. Có được điều đó là bởi vùng đất này có những điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không giống với bất cứ vùng đất nào để tạo nên những trái cam mang hương vị riêng biệt, vô cùng ngọt ngào và hấp dẫn của miền núi rừng phía nam của tỉnh Hà Giang.
Trái cam sành Bắc Quang thường chính vào độ cuối tháng 11 âm lịch hàng năm.
Cam sành Bắc Quang rất dễ nhận biết với đặc điểm là vỏ dầy, sần, lõi cam vàng, có hạt, ăn có vị ngọt khé, đậm đà.
Cam sành Bắc Quang, một sản vật của núi rừng, sự kỳ công chăm sóc của người dân một nắng hai sương và của sự quan tâm, tạo điều kiện phát triển của huyện Bắc Quang. Từ đó, cho ra một sản phẩm “cam sạch”, giá cả phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của những người ưa hàng Việt chất lượng cao.
Thắng Dền Đồng Văn
Ai lên Đồng Văn Hà Giang cũng muốn một lần thưởng thức thắng cố. Thắng cố chỉ ăn trong những phiên chợ. Còn thắng dền, giữa thị trấn hun hút gió mùa đông mà được ngồi bên bếp lửa ăn bát thắng dền, thật không có gì ấm áp và thú vị bằng.
Thắng dền là một món ăn chơi của người Hà Giang nói chung và là món ăn “gọi bạn” quây quầy bên nhau nói riêng ở thị trấn Đồng Văn những đêm đông giá rét. Sau bữa tối với nhiều đặc sản Đồng Văn từ thịt gác bếp đến xúc xích lợn, thưởng thức một bát thắng dền ấm bụng quả là một lựa chọn thanh tao, hợp lý.
Thắng dền trông giống bánh trôi tàu ở Hà Nội, giống bánh cống phù ở Lạng Sơn, được làm từ bột gạo nếp, có thể làm chay hoặc bọc nhân đậu đỗ. Mỗi viên bột được nặn to hơn đầu ngón tay cái chút xíu, cho vào nồi nước dùng luộc, đến khi nổi lên chủ quán sẽ dùng muôi vớt ra. Thắng dền thơm ngon hay không là ở bát nước dùng, được pha bởi hỗn hợp ngọt ngào của đường, béo ngậy của nước cốt dừa và cay cay của gừng đun nóng. Có thể rắc thêm vừng hoặc lạc cho món ăn thêm bùi. Khách ăn thường bỏ một hai viên thắng dền vào ngậm trong miệng một lúc, ngấm cái vị ngọt béo của nước đường, vị cay se se của gừng tươi, vị bùi ngậy của vừng lạc.
Ngồi chuyện phiếm bên bát thắng dền cùng bạn bè, hỏi chuyện vợ chồng chủ quán và cánh thanh niên đi chơi tối, để hiểu thêm cuộc sống đồng bào nơi địa đầu cực Bắc, các bạn còn mang nước cốt táo mèo, rượu vodka ra pha với tabasco cay xè để thưởng thức cùng món quà dân dã. Đêm như dài ra với bao câu chuyện về Phó Bảng, Sủng Là, Mã Pì Lèng, Săm Pun vời vợi...
Phở Chua Hà Giang
Phở chua cũng là một nét khác biệt về ẩm thực Hà Giang. Phở chua có nguồn gốc từ Trung Quốc rồi lan sang các tỉnh biên giới phía Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn...vào sau đời Mãn Thanh cách đây khoảng 300 năm.
Tên Trung Quốc của phở chua là “Lường pàn” nghĩa là “Phở mát”. Gọi là phở mát nên phở chua chỉ ưa dùng vào mùa hè. Trước đây, món ăn này được dùng trong đám cỗ. Hiện nay, món này được nhiều người chọn làm món điểm tâm. Tôi may mắn được gặp bà cụ có nghề gia truyền làm Phở chua đã mấy đời ở Hà Giang qua một người quen, ở Hà Giang Phở chua của nhà bà là nổi tiếng nhất. Khi tôi có hỏi về công thức làm Phở bà cụ đã rất hài hước nói với tôi rằng: “Đưa mười triệu đây”. Và tôi chỉ còn biết cười trừ. Sau cùng bà cũng cho tôi biết về công thức làm Phở nhà bà.
Đặc sản phở chua
Nguyên liệu của món Phở chua bao gồm: thịt lợn rán (xá xíu), vịt quay, lạc đã chao dầu, lạp xường hoặc xúc xích tự chế. Ngoài ra còn có rau ăn kèm gồm: rau húng thơm, tỏi tươi, đu đủ hoặc dưa chuột nạo. Nguyên liệu chính là bánh phở yêu cầu phải là bánh phở tươi được tráng mềm không dùng bánh phở khô.
Cái cốt yếu tạo nên phong vị của phở chua chính là nước dùng trong tiếng Trung Quốc gọi là “nước lủ” – nước chua ngọt. Nước chua ngọt này được tạo nên bởi một loại dấm thật chua hòa với đường, cùng với bột sắn quấy sệt thêm một chút gia vị - tất cả được đun sôi lên và quấy đều tay.
Bánh phở được dàn đều ra đĩa phủ lên những lát thịt lợn, lạp xưởng rán cháy cạnh, vài miếng thịt vịt quay vàng rộm điểm vài ngọn rau húng thêm chút lạc chao dầu đập dập. Sau đó rưới nước dùng vào thành Phở chua ngọt ăn kèm ớt xào, ớt chưng hoặc ớt tương. Để thưởng thức trọn vẹn hương vị của món ăn, ta có thể uống kèm rượu ngô, cũng có thể là rượu cẩm hoặc rượu vang. Yêu cầu của món ăn là bánh phở phải tươi, giấm phải thật chua và là loại giấm ngon. Đối với người Trung Quốc phở chua còn là một thứ giải khát quen thuộc.
Thịt Chuột La Chí
Thịt chuột là món ăn không thể thiếu được trong cuộc sống của người dân La Chí Hà Giang. Chuột được chế biến thành nhiều món rất thơm ngon như chuột nướng, chuột xào, chuột treo gác bếp...
Con chuột ngoài vai trò là vật hiến tế trong lễ cúng Thần Rắn trong rừng cấm Me Meo, thì nó còn giữ vai trò cực kỳ quan trong trong đời sống thực tại cũng như đời sống tâm linh của người La Chí.
Trong bất cứ lễ cúng gì, từ cúng tổ tiên, cúng lúa mới, cúng xuống đồng, cúng hồn cây lúa, cúng rừng, cúng núi, cúng sông suối, hoặc lễ cúng bắt ma, lập bàn thờ, thậm chí cả lễ cưới, món thịt chuột đều là thứ không thể thiếu được.
Ở bản La Chí, được ngồi bên bếp lửa, nướng chuột ăn nóng thì thật tuyệt vời.
Con chuột không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, mà nó còn gắn chặt với đời sống thường ngày của người La Chí. Món thịt chuột được người La Chí coi là món ăn hàng ngày, như người Kinh ăn thịt lợn, nên họ có thể ăn quanh năm suốt tháng.
Con chuột gắn bó với người La Chí từ hàng ngàn năm nay, nên không biết từ khi nào, chuột đã trở thành đặc sản. Nếu bạn lên Hoàng Su Phì, hỏi về các món đặc sản, ngoài thắng cố, rượu ngô của người Mông, lợn cắp nách của người Mán, thịt chua của người Nùng, thì chuột khô chính là đặc sản của người La Chí.
Vặt lông chuột.
Đến mùa lúa chín, đàn ông kéo nhau đi săn chuột ở khắp huyện. Mùa gặt kết thúc, chuột đồng hết chỗ ẩn nấp, trốn vào rừng, họ lại tiếp tục vào rừng đặt bẫy, rồi đào hang bắt chuột ở rừng vầu, rừng tre, rừng chít.
Món chuột được đồng bào La Chí chế biến thành hàng chục món khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là 2 món, gồm nướng và treo gác bếp.
Chuột nướng, chuột xào và đặc biệt món chuột khô là đặc sản của người La Chí.
Chuột được nhúng nước sôi, vặt lông, dùng que xiên từ đít lên đầu đem thui với rơm nếp cho vàng ruộm, rồi mổ bụng, lột bỏ nội tạng, rửa sạch, sau đó xát mắm, muối, mì chính, thảo quả, tiêu rừng cùng một số gia vị khác. Nếu ăn nướng thì kẹp que nướng trên than củi ở bếp giữa nhà cho chín rồi ăn luôn.
Vào mùa thu hoạch lúa, chuột bắt được nhiều, ăn không xuể thì đồng bào La Chí làm món chuột khô để ăn dần. Chuột được chế biến và ướp gia vị rồi treo trên gác bếp. Lửa và khói ở bếp cháy suốt ngày đêm sẽ làm cho thịt chuột khô quắt lại sau một tuần. Khi chuột quắt lại, cứng như khúc củi, có thể để được cả năm trời, lúc nào thích thì gỡ ra ăn.
Thịt chuột khô có thể vùi tro nóng rồi dùng chày đập xơ ra chấm muối tiêu làm mồi nhắm, hoặc đem ngâm nước sôi cho nở ra, sau đó ướp gừng, hành tỏi và xào nóng ăn rất thơm ngon. Đây là món khoái khẩu của người La Chí.
Món chuột nướng béo ngậy, hấp dẫn.
Mùa gặt lúa, chuột đồng bắt được nhiều, già trẻ, trai gái cùng ngồi nướng và ăn bên bếp lửa giữa nhà. Ngồi bên bếp lửa hồng, giữa cảnh núi rừng hoang rậm, ăn thịt chuột và uống rượu bằng sừng trâu có cảm giác rất thi vị, gợi về một thuở hồng hoang.