==HOTLINESHOW== ==HOTLINESHOWOTHER==

Sở hữu Cao nguyên đá Đồng Văn - được Unesco công nhận là Công viên địa chất toàn cầu - trải rộng trên 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc, hàng năm Hà Giang đón hàng vạn lượt khách trong nước và quốc tế đến thăm. Phần 3 của bài viết, chúng tôi tiếp tục giới thiệu đến các bạn những điểm thăm quan Hà Giang hấp dẫn: chợ phiên Mèo Vạc, cột cờ Lũng Cú, dốc Bắc Sum, đèo Mã Pì Lèng, làng dệt Lanh Lùng Tám.

Chợ Phiên Mèo Vạc

Chợ phiên Mèo Vạc nằm ở một thung lũng tứ bề là núi, từ hàng trăm năm nay, chợ được mở vào chủ nhật hàng tuần,  là nơi hội tụ tinh hoa văn hoá của các dân tộc thiểu số vùng cao nguyên đá của Hà Giang, chợ phiên Mèo Vạc ẩn chứa trong đó những nét độc đáo khó trộn lẫn với bất cứ chợ nào, thu hút hàng trăm khách thăm quan trong và ngoài nước đến tham quan. là một điểm không thể thiếu trong các hành trình thăm quan Hà Giang.

Chợ Phiên Mèo Vạc

Người ta đến chợ Mèo Vạc không chỉ để mua bán, trao đổi hàng hoá mà còn hội ngộ bạn bè, tình thân hữu lâu ngày xa cách, chợ Khu vực ăn uống của chợ phiên Mèo Vạc bán những món ăn rất đặc biệt phục vụ những người dân tộc bản địa đến đây giao thương và Lữ khách đến Hà Giang.

Vào ngày chợ phiên, mọi thành viên trong gia đình người Mông thường xuống chợ. Bán hàng xong, họ sẽ ăn uống no say mới về.Ở đây, khách có thể mua những loài vật rất hiếm thấy bán ở miền xuôi như dê núi. lợn “cắp nách” Từ lâu nay, phiên chợ luôn đông vui với sự góp mặt của các khách thăm quan. Sự đa dạng màu sắc trang phục, những món ăn, những nét đặc sắc của chợ phiên đã để lại ấn tượng khó quên với mỗi Lữ khách khi đến phiên chợ. Họ mang đến những sản phẩm như: Trâu, bò, lợn, gà rau, vải thổ cẩm, rượu… Ngoài mục đích mua bán, trao đổi hàng hóa, chợ phiên còn là nơi giao lưu, gặp gỡ nên phiên chợ thực sự như ngày hội của đồng bào nơi các dân tộc vùng cực Bắc này.

Cột Cờ Lũng Cú

Lũng Cú - mảnh đất địa đầu Tổ quốc, thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, cách thị xã Hà Giang khoảng 200km. Từ thị xã, theo quốc lộ 4C ngược lên phía đông bắc khoảng 160km, khách thăm quan sẽ đến xã Đồng Văn, huyện Đồng Văn. Từ đây, tiếp tục xuôi theo con đường trải nhựa nối liền hai xã Lũng Cú - Đồng Văn khoảng 40km, Lữ khách sẽ đến với đỉnh Lũng Cú.

 

Cột Cờ Lũng Cú

Từ xa, Lũng Cú hiện ra thật sinh động: một vùng đất với 3/4 là đá, nổi bật lên là cột cờ Tổ quốc có hình dáng giống cột cờ Hà Nội, trông xa giống như một ngọn tháp; xung quanh là phong cảnh núi rừng hùng vĩ, trùng điệp... Khi tới gần, vẻ đẹp nơi đây càng rõ nét hơn: Một cột cờ được dựng trên đỉnh núi Rồng (Long Sơn), dưới chân cột có khắc phù điêu mang rõ nét hoa văn của trống đồng Ðông Sơn, lá cờ Tổ quốc tung bay phất phơ trong gió và in bóng xuống mặt hồ Lô Lô xanh biếc. Quan sát kỹ hơn một chút, khách thăm quan sẽ thấy giữa lưng chừng núi Rồng có một cái hang khá rộng và đẹp, đồng bào ở đây gọi là hang Sì Mần Khan.

Xã Lũng Cú có tổng diện tích tự nhiên là 3460 ha với chín thôn, bản, đó là: Lô Lô Chải, Séo Lủng, Tả Giá Khâu, Cẳn Tằng, Thèn Ván, Thèn Pả, Sì Mần Khan, Sán Chồ, Sán Sà Phìn và có đường biên giới tiếp giáp với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hơn 16km. Tại đây, khi vào mùa đông thời tiết rất lạnh và thi thoảng có tuyết rơi. Trong số chín thôn, bản của Lũng Cú thì Séo Lủng thuộc phần đất thượng cùng cực bắc với bên trái là thung lũng Thèn Ván sâu thăm thẳm, bên phải là dòng sông Nho Quế - dòng sông bắt nguồn từ Mù Cảng - Vân Nam - Trung Quốc đổ về Ðồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang).

Bà con dân tộc ở Lũng Cú chủ yếu là làm nương rẫy và làm ruộng bậc thang. Riêng đồng bào dân tộc Mông và Lô Lô vẫn bảo tồn nghề dệt truyền thống với các công đoạn làm sợi lanh, dệt vải.

Bên cạnh đó, Lũng Cú còn bảo lưu được những hiện vật lịch sử, văn hóa quý giá tiêu biểu từ thời Hùng Vương. Theo sử sách ghi lại, vào thời Tây Sơn, Hoàng đế Quang Trung đã cho đặt ở nơi biên ải này một chiếc trống lớn, thời đó tiếng trống là phương tiện thông tin nhanh nhất, vị trí đặt trống của nhà vua là trạm biên phòng tiền tiêu Lũng Cú bây giờ. Chính vì vậy, người Lô Lô ở Lũng Cú bây giờ sử dụng thành thạo trống đồng có nguồn gốc từ trống đồng Ðông Sơn.

Đến với Hà Giang, một  vùng đất của chè Shan, rượu mật ong, rượu ngô, đào phai, hoa lê, tuyết trắng và món thắng cố trong buổi chợ phiên... cùng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc như: Mông, Lô Lô, Giáy... Lũng Cú thật sự mang trong mình nét đẹp mê hồn hấp dẫn biết bao Lữ khách . Quả thật, nếu khách thăm quan có dịp đến đây vào mùa xuân, Lữ khách vừa được tận hưởng bầu không khí trong lành, vừa được nghe tiếng đàn môi tâm tình gọi bạn, tiếng khèn của người Mông say mê, quyến rũ và tiếng trống đồng âm vang bên bếp lửa bập bùng.

Dốc Bắc Sum

Dốc Bắc Sum bắt đầu từ xã Minh Tân (Vị Xuyên) lên xã Quyết Tiến (Quản Bạ) được nhiều người ví như đèo Pha Đin của Hà Giang. Con đường ngoằn ngoèo như rắn uốn khúc đưa ta đến một miền đất đặc biệt của Hà Giang, vùng đá với khí hậu khác biệt, lạnh hơn dù chỉ cách nhau vài cây số. Từ đây nhìn xuống phía dưới là một con đường nhỏ uốn lượn, lúc thì trong mây, lúc trong nắng. trong các chương trình Hà Giang các tài xế thường dừng xe để khách thăm quan chụp hình với toàn cành hùng vĩ của con dốc.

 

Dốc Bắc Sum

Qua dốc Bắc Sum, con đường vắt núi đá ở đầu thị trấn Tam Sơn hướng con mắt Lữ khách vào cặp núi đầy gợi cảm. Chẳng cần phải viết thêm 2 chữ “Núi Đôi” ở dưới chân cặp núi này mọi người cũng đều biết đó là Núi Đôi rồi. Từ đoạn đường này, không biết bao nhiêu tay lái đã loạng choạng vì mải đuổi theo suy tưởng, sao thiên nhiên lại căng tròn đến vậy!?. Lúc mùa lúa xanh, chín, thung lũng Tam Sơn bồng bềnh trong mầu xanh, vàng tô điểm thêm đôi núi thần tiên càng trở nên ngọt ngào, quyến rũ. Lúc mùa khói sương thu tàn, đông đến, bồng bềnh đôi núi ẩn hiện khiến khách thăm quan nao lòng. Qua 4 mùa, từ đoạn đường như dải lụa vắt qua núi này, người ta có thể “bắt mạch” cho sức khỏe của Cô Tiên bởi sự thay đổi sắc mầu hiện ra từ 2 trái... cấm được xâm phạm này.

Đèo Mã Pì Lèng

Đèo Mã Pì Lèng nằm trong quần thể công viên địa chất Đồng Văn (Hà Giang), nơi được công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Đường đèo men theo sườn núi, vừa lãng mạn, vừa hùng vĩ, là điểm đến của khách thăm quan.Đường lên Đồng Văn, Mèo Vạc xuyên qua những rừng đá tai mèo, xứng với tên gọi “cao nguyên đá”. Có những quả núi đá mang hình thù kỳ dị, rất có giá trị trưng bày địa chất lộ thiên,

 

Đèo Mã Pì Lèng

Đường Hạnh Phúc cheo leo trên vách đá và sườn núi dốc đứng. Cung đường đỉnh đèo Mã Pì Lèng. Vực sông Nho Quế là hẻm vực sâu nhất khu vực Đông Nam Á. Muốn đi từ đường đèo đến mặt nước phải mất nửa ngày. Núi đá hùng vĩ ở Mã Pì Lèng trong công viên địa chất là nguồn cảm hứng cho các nhà làm phim và nghiên cứu khoa học. Mây nắng huyền bí trên ngọn núi cao nguyên đá…Nơi đây nhiều năm trước từng khô khát triền miên, nay đã xuất hiện những hồ treo do Thủ tướng tặng đồng bào. Nguồn nước quý giá này được trông coi cẩn thận để người dân sử dụng làm nước ăn hàng ngày.Thiếu nữ Mông trắng sải bước trên con đường Hạnh Phúc qua Mã Pì Lèng. Con đường được dựng xây bằng máu và mồ hôi của hàng chục nghìn nhân công những năm kháng chiến.Bản làng người Mông trên cao nguyên đá, nơi địa đầu cực bắc tổ quốc.

Mã Pì Lèng, dịch ra nghĩa đen là sống mũi ngựa. Dịch ý thì đây là con đèo hiểm trở đến mức ngựa đi qua cũng phải bạt vía lạc hơi. Những năm cuối thập kỷ 50 của thế kỷ trước, Chính phủ đã làm con đường mang tên Hạnh Phúc nối Hà Giang với 2 huyện vùng cao là Mèo Vạc và Đồng Văn, 2 huyện cheo leo nơi cực bắc tổ quốc.

Để làm con đường này đã có hàng chục nghìn nhân công từ các tỉnh khắp miền Bắc. Riêng đoạn Mã Pì Lèng, do quá hiểm trở, nên khi đục từng cm đá để đặt nửa bàn chân vào tìm chỗ đứng, mỗi ngày có vài chục dân công được làm lễ truy điệu sống rồi treo mình trên dây thừng dòng từ cây cổ thụ xuống.

Con đường hình thành vòng vèo quanh lưng núi, nơi có vực đá bên sông Nho Quế, hẻm vực sâu và hùng vĩ nhất Đông Nam Á. Hẻm vực sông Nho Quế sâu khoảng 800 m, đứt gãy địa chất này được hình thành vào kỷ Kainozoi, cách đây khoảng 32 triệu năm đến 15 triệu năm theo cơ chế trượt bằng trái. Cách đây khoảng 5 triệu năm, đứt gãy hoạt động theo cơ chế trượt bằng phải, tạo nên hẻm vực hiện nay.

Hiện nay, Mã Pì Lèng là điểm đến không thể thiếu khi tham quan công viên địa chất Đồng Văn, được công nhận là công viên địa chất toàn cầu vào ngày 3/10/2010. Trên địa bàn, dân cư chủ yếu là người Mông trắng với bản sắc văn hóa độc đáo, hầu như nguyên sơ.

Làng Dệt Lanh Lùng Tám

Làng Nghề Dệt Lanh Lùng Tám một địa phương nằm nép mình giữa những đỉnh núi đá mù sương bốn mùa mây phủ. Đây là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Mông nổi tiếng với nghề dệt lanh, nhuộm chàm và vẽ sáp ong, đây cũng là nơi mà : “chỉ có mặc vải lanh, mình mới không bị lạc tổ tiên…”Đã thành truyền thống, mỗi người phụ nữ Mông đến tuổi trưởng thành đều có những mảnh nương riêng để trồng lanh. Những ruộng lanh mọc đều thẳng tắp chỉ hơn hai tháng đã cho thu hoạch, được người Mông cắt về rồi đem phơi khô để chế biến thành sợi.

 

Làng Dệt Lanh Lùng Tám

Khi tách lấy vỏ lanh, đôi tay người phụ nữ phải hết sức khéo léo cho sợi lanh có độ mảnh đều nhau và không bị đứt nửa chừng. Những bó vỏ lanh này được cuộn chặt lại rồi cho vào cối giã đánh bong hết bột chỉ, còn trơ lại sợi dai, rồi cuộn lại thành những con sợi lớn. Qua vài lần luộc nước tro bếp và một lần luộc nước sáp ong, sợi lanh đã trắng và mềm hơn và đó là lúc những phụ nữ người Mông bắt đầu ngồi vào khung dệt của mình.

Người Mông thường dệt bằng khung cửi đai lưng. Tấm vải được dệt xong còn phải giặt đi giặt lại nhiều lần cho thật trắng. Sau đó tấm vải được trải lên khúc gỗ tròn, rồi dùng một phiến đá chà sáp ong trượt đi, trượt lại cho đến khi tấm vải thật phẳng. Làm ra những tấm vải lanh tốt là niềm tự hào của mỗi người phụ nữ Mông, có lẽ cũng chính vì vậy mà họ luôn thận trọng trong từng công đoạn, dù là căng sợi hay luồn khung. Và cũng từ mong ước làm ra những tấm vải lanh tốt đó, không biết từ bao giờ họ cũng đã hình thành những quy ước rất khắt khe như kiêng nam giới đến gần khi phụ nữ căng sợi luồn vào khung, vì sợi đứt và bị luồn nhầm. Khi dệt xong, vải còn thô, người ta phải giặt nhiều lần, ngâm nước tro và phơi cho vải trắng và mịn, để có thể đem may mặc. Vải đẹp là vải nhẵn, sợi đều, trắng, nhỏ… khi mặc luôn tạo cảm giác mềm mại và thoáng mát.

Không chỉ giỏi dệt vải, người Mông ở Lùng Tám còn có kỹ thuật nhuộm chàm mà khó có nơi nào sánh được. Nhuộm chàm là công việc vất vả, mất nhiều thời gian và đòi hỏi tính kiên nhẫn cao. Muốn có màu chàm đen như ý, mảnh vải phải được nhuộm đi nhuộm lại nhiều lần, trong nhiều ngày. Người ta thường ngâm vải trong dung dịch chàm chừng một giờ đồng hồ, sau đó mới vớt ra để ráo nước rồi lại ngâm tiếp. Quy trình đó được lặp đi lặp lại 5-6 lần mới đem vải đi phơi. Khi nào mảnh vải khô, nó lại được mang vào ngâm tiếp; cứ như thế khoảng 8-10 lần. Thời gian ngâm cho vải lên nước đen bóng phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Gặp kỳ nắng ráo, mỗi mảnh vải chỉ cần 3- 4 ngày là có thể nhuộm xong; nhưng nếu trời mưa, phơi vải lâu khô, khoảng thời gian đó có khi kéo dài tới 2 tháng. Chính vì được nhuộm kỹ như vậy mà màu chàm của người H’Mông ở đây rất bền và luôn cho cảm giác tươi mới.

Vải lanh không chỉ bền mà còn được biết đến là một loại sản phẩm có lợi cho sức khỏe, không bị mốc, có khả năng hấp phụ cao, luôn tạo cho làn da sự thông thoáng mỗi khi mặc. Cũng chính vì lý do đáo mà nhu cầu tiêu thụ vải lanh, đặc biệt của khách hàng nước ngoài ngày càng cao. Đây thực sự là một cơ hội lớn để các sản phẩm đệm, túi, quần áo…, những sản phẩm văn hóa vừa hoang sơ, vừa lộng lẫy của mảnh đất mù sương nơi hấp dẫn khách thăm quan đến với Hà Giang.

Các Điểm thăm quan Hà Giang Hấp Dẫn ( P3 )

Các Điểm thăm quan Hà Giang Hấp Dẫn ( P3 )
31 3 34 65 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==