Mang vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ, cao nguyên Hà Giang khiến bất cứ ai đến thăm cũng đều phải ngỡ ngàng không chỉ bởi nét đẹp của miền sơn cước, mà còn bị lôi cuốn bởi những nụ cười thân thiện đầy sức sống mãnh liệt của con người nơi đây. Phần 5 của bài viết Các điểm thăm quan Hà Giang hấp dẫn, chúng tôi tiếp tục giới thiệu đến các bạn những điểm đến hấp dẫn tại Hà Giang.
Thung Lũng Sủng Là
Thung lũng Sủng Là nằm trên tuyến quốc lộ 4C, nối những thị trấn trên mảnh đất Hà Giang, cách huyện Đồng Văn hơn 20km, nên bất kỳ ai đến với mảnh đất này cũng sẽ đi qua nó. Bạn từ hướng Yên Minh lên thị trấn Đồng Văn, đến ngã ba Phó Bảng, nơi con đèo xinh đẹp ôm trọn một thung lũng xanh là điểm cao và đẹp nhất để ngắm toàn cảnh Sủng Là. Nơi đây là xã vùng cao đẹp nhất toàn cao nguyên đá Đồng Văn.
Từ trên con đường vắt vẻo lưng chừng trời nhìn xuống, bạn sẽ thấy Sủng Là như một bức tranh thiên nhiên thanh bình, xinh đẹp. Sủng Là nằm giữa những dãy núi đá tai mèo nhấp nhô, thâm sẫm một màu, những ngôi nhà vững chãi với mái đã phai màu thời gian.
Trên gác, màu của ngô lẫn trong đám đỗ tương được phơi khô. Và cô gái Sủng Là ngồi dệt bên khung cửi, tiếng Kinh không nói được nhiều nhưng vẫn sẵn lòng mời bạn bát nước cho đỡ cơn khát ban trưa. Người Mông ở Sủng Là trồng tam giác mạch và hoa cải trên đồi đất cao, trồng ngô, lúa ở vùng đất bằng nơi đáy thung lũng. Chen lẫn trong màu xanh non của ngô, lúa, màu tím hoa cà của hoa tam giác mạch và màu vàng của nắng là màu xanh đậm của rừng sa-mu sừng sững giữa đất trời.
Mùa xuân cũng là mùa đẹp nhất của mảnh đất này khi những vạt hoa nở khắp vùng cao nguyên đá. Những cánh đồng hoa làm khung cảnh thiên nhiên vốn khắc nghiệt, lạnh lẽo biến thành một bức tranh tuyệt mỹ.
Và những con người mộc mạc nơi đây cũng góp phần tô điểm cho Sủng Là. Những mái nhà đơn sơ giản dị, bên hiên ríu rít tiếng nói cười trẻ thơ. Ngoài kia, lũ trẻ với những chiếc khăn đủ màu chơi đùa trên cánh đồng. Ánh hoàng hôn xiên xiên màu mật ngọt, tạo nên khung cảnh thật nên thơ. Không ít khách thăm quan thích đi Hà Giang, thường ghé lại Sủng Là chụp cho được những khung cảnh tuyệt đẹp. Đôi khi họ còn xin người dân ngụm nước, hoặc tham quan chợ phiên hay thong thả tựa hàng hiên ngắm cảnh thiên nhiên.
Người Hà Giang còn gọi Sủng Là là “ốc đảo”, bởi nơi đây vốn là thung lũng nằm gọn trong cao nguyên đá Đồng Văn. Còn những người thích gọi Sủng Là là “đóa hoa hồng” của cao nguyên đá. Với công chúng yêu thích nghệ thuật, có người nhớ thung lũng này đã được chọn làm bối cảnh cho bộ phim nổi tiếng “Chuyện của Pao”, dựa theo truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Người ta nhớ đến một cô Pao xinh đẹp giữa những cánh đồng hoa cải. Với bộ phim này, điện ảnh đã đem đến cho công chúng những cảnh sắc tươi đẹp của non sông đất nước Việt Nam.
Nằm cheo leo trên những triền núi cao quanh năm mây mù bao phủ và ở nơi tận cùng cực Bắc, Sủng Là cho dù đời sống còn nhiều khó khăn vất vả và khắc nghiệt, song những nụ cười rạng ngời vẫn nở trên đôi môi của thiếu nữ Mông. Họ vẫn miệt mài trồng ngô trên những cánh đồng của cao nguyên đá Đồng Văn.
Hồ Noong
Hồ Noong là hồ nước nông tại xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, cách thị xã Hà Giang khoảng 17km. Mùa mưa có thể đi thăm hồ bằng bè, mảng, còn mùa khô thì nước nông đến nỗi chỉ có thể đứng trên bờ chụp ảnh.
Hồ trên núi, với thiên nhiên hoang sơ, mang vẻ đẹp thuần khiết như người con gái dân tộc. Nơi đây chỉ có vài gia đình người Mông sinh sống bằng trồng lúa và chăn nuôi vịt, lợn. Đối với người dân địa phương, hồ Noong được ví như con mắt của rừng.
Với diện tích mặt nước thay đổi tùy mùa nằm giữa cánh rừng nguyên sinh rộng gần 100ha bao quanh khiến cho hồ Noong có cảnh sắc hoang sơ kỳ thú. Điểm đặc biệt của hồ Noong là trong lòng hồ có những gốc cây xanh tốt nhưng cũng có những gốc cây khô tạo nên một cảnh quan khá thú vị. Hồ Noong là loại hình hồ đất ngập nước, đây là loại địa hình đặc biệt, bởi hồ vừa có thể nuôi trồng thuỷ sản, vừa có thể trồng trọt rau màu.
Vào mùa mưa (từ tháng 4 đến tháng 10), nước dâng cao nên tổng diện tích mặt hồ có thể rộng khoảng 80ha, đây là thời điểm thích hợp để thả cá - nhất là các loại cá tiến vua như cá Dầm xanh, cá Anh vũ.
Vào mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau), diện tích mặt nước thu hẹp chỉ còn khoảng 20 - 30ha, người dân địa phương tận dụng phần đất khô quanh bờ hồ để trồng ngô, lạc, đậu, bí, dưa... còn phần đất phía dưới trồng rau xanh, đặc biệt là những loại rau màu ngắn ngày. Riêng những khoảng đất cao ven hồ vào mùa khô nếu không trồng được rau màu sẽ được sử dụng làm bãi chăn thả các loại gia súc (trâu, bò) của người dân địa phương.
Nếu bạn có dịp đến đây vào sáng sớm, lênh đênh trên một chiếc bè chìm trong sương sớm thì quả là không còn gì bằng, cảnh sắc như là ở chốn bồng lai.
Thác Tiên
Để đến thác Tiên – một trong những danh thắng bậc nhất huyện Xín Mần, Hà Giang, khách thăm quan phải vượt qua khoảng 17 km từ trung tâm thị trấn Cốc Pài. Thác nằm giữa rừng nguyên sinh Đèo Gió thuộc địa phận xã Nấm Dẩn, nên sau khoảng chục cây số đổ đèo leo dốc là bạn đã được hòa mình vào một thế giới thiên nhiên thuần khiết với thảm thực vật nguyên sơ quý hiếm. Bên cạnh phong lan rừng, thảo mộc và nấm các loại là nhiều loài gỗ quý nghìn năm tuổi.
Thác Tiên còn được gọi là Thác Đôi.
Trong khi đang mơ màng với thiên nhiên hoa cỏ thì tiếng nước đổ vọng gần sẽ đưa Lữ khách trở về thực tại, báo hiệu trước mặt là dòng thác Tiên huyền thoại. Mọi mệt mỏi dần tan biến theo mỗi bước qua thềm bậc giữa cánh rừng vầu rậm rạp. Trong màu xanh ngút ngàn của rừng già hoang sơ là dòng thác đôi trắng xóa.
Thác bắt nguồn từ suối Tả Ngán, xã Tả Củ Tỷ, Bắc Hà, Lào Cai ở độ cao trên 1.403 m. Khi đến địa phận thôn Ngam Lâm, xã Nấm Dẩn, dòng nước thả mình qua vách núi Đèo Gió tạo thành dòng thác đôi như mái tóc dài mềm mại, buông lững lờ của thiếu nữ tuổi trăng tròn. Đổ xuống từ độ cao 70 m giữa rừng già kỳ vĩ, thác Tiên không ầm ào, hung dữ mà mềm mại, réo rắt, mang đến bầu không khí mát lành nhờ những hạt nước li ti lan tỏa theo làn gió thổi quanh chân thác. Bởi thế thác Tiên ngoài tên gọi Táng Tinh (theo tiếng Nùng) còn được gọi là thác Gió.
Dòng thác mềm mại như mái tóc thiếu nữ trăng tròn.
Quanh năm dòng nước chẳng khi nào cạn, mùa mưa hay mùa khô đều êm ả nhẹ nhàng. Chẳng thế mà lao xuống từ trên vách núi nhưng mặt hồ nhỏ đón nước dưới chân thác chỉ gợn sóng lăn tăn. Đây chính là nơi đầu nguồn của con suối Tả Lán chảy về thôn Nấm Dẩn, nơi có bãi đá cổ nổi tiếng Hà Giang. Nước suối dưới chân thác lặng, yên bình và trong vắt quanh năm, nhìn thấu tận đáy. Suối nông nhưng lạnh do nằm trên độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, nên mùa hè có thể thoái mái lội suối vui đùa, còn mùa đông khách thường chỉ men theo lối nhỏ để dạo một vòng hoặc chụp ảnh trên cây cầu cong vắt ngang qua suối. Đứng dưới chân thác, giữa không gian rộng lớn, con người như nhỏ bé trước màu xanh của cánh rừng già nguyên sơ ôm lấy dòng nước bạc, ẩn hiện trong đó là những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Chẳng phân biệt đông hay hè, người lớn trẻ nhỏ khắp nơi vẫn tìm đến đây để tận hưởng thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ và không khí trong lành, giúp người ta quên đi mọi ưu tư, sầu khổ.
Đôi dòng thác bạc.
Nếu có thời gian, bạn có thể xuôi dốc chừng 6 km nữa để đến tham quan Bãi đá cổ Nấm Dẩn nơi người Việt cổ sinh sống có niên đại trên 2.000 năm tuổi. Trải qua hàng nghìn năm, nhiều hoa văn, hình họa mang tính phồn thực ghi dấu ấn một thời xã hội Cổ đại mẫu hệ vẫn còn là điều bí ẩn, thu hút những người ưa khám phá.
Ngoài ra, bạn cũng có thể ngược lên đỉnh Đèo Gió để tham quan trang trại cá hồi. Đây là một trong những nơi hiếm hoi trong cả nước nuôi thử nghiệm thành công loài cá nước ngọt hồi vân có nguồn gốc từ vùng biển Thái Bình Dương ở khu vực Bắc Mỹ và châu Á. Chính địa hình nhiều suối, dòng nước nuôi rộng và khí hậu mát lạnh nơi đây đã tạo môi trường cho loài cá hồi vân sinh trưởng, và trở thành điểm đến thú vị cho khách thăm quan ghé thăm.
Nhà Của Pao
Sau thành công trên màn ảnh, "nhà của Pao" trở thành điểm đến không thể bỏ qua trên cung đường khám phá cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Cái tên Sủng Là từ lâu đã không còn xa lạ với khách thăm quan miền xuôi mỗi lần ghé đến Đồng Văn. Được ví như bông hoa giữa cao nguyên đá, Sủng Là cuốn hút bởi vẻ đẹp mộc mạc, yên bình đặc trưng của miền sơn cước, trong đó nổi bật là ngôi làng nhỏ mang tên Lũng Cẩm. Nằm giữa thung lũng thơ mộng, xung quanh là dãy núi đá trùng điệp như bức tường thành che chở, làng văn hóa Lũng Cẩm hiện là nơi cư trú của hơn 60 hộ dân, chủ yếu là dân tộc Lô Lô, Mông và Hán.
Con đường khang trang, sạch sẽ trong làng văn hóa dân tộc Lũng Cẩm.
Nếu hình dung về những con đường đất sỏi mịt mù khi tới Lũng Cẩm thì bạn sẽ hoàn toàn ngỡ ngàng vì đường vào làng giờ đã được bê tông hóa đến tận từng hộ gia đình, nhưng không vì thế mà Lũng Cẩm mất đi vẻ đẹp vốn có. Ngay từ đầu làng, bạn đã có thể bắt gặp những nương ngô xanh mướt, những luống hoa hồng thấm đẫm sương đêm.
Thấp thoáng trên đường là bóng dáng các chị, các mẹ gùi hàng ra chợ bán, lũ trẻ mặt nhem hề đùa nghịch hồn nhiên. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất với Lữ khách khi đến với Lũng Cẩm là những ngôi nhà trình tường cổ. Sắc màu mộc mạc, xưa cũ là điểm dễ nhận ra ở hầu hết ngôi nhà gần 100 năm tuổi ở thung lũng hoa hồng. Những lớp ngói âm dương đã phủ đầy rêu, nhưng bức tường đất, hàng rào đá bao quanh dường như còn nguyên vẹn. Chính vẻ đẹp thách thức thời gian và tiết trời khắc nghiệt đã khiến những ngôi nhà ở Lũng Cẩm trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo của không ít nhiếp ảnh gia và đạo diễn.
Ngôi nhà 2 tầng trong phim "Chuyện của Pao" như căn "biệt thự" giữa cao nguyên đá.
Từ khi được chọn làm bối cảnh cho những thước phim đẹp đến nao lòng trong “Chuyện của Pao”, ngôi nhà “tứ đại đồng đường” của một gia đình người Mông vốn nổi tiếng từ nhiều năm trước, trở thành điểm đến được yêu thích nhất ở làng Lũng Cẩm. Giữa cao nguyên đá khô cằn, “nhà của Pao” như một bức tranh thu nhỏ về cuộc sống đồng bào Mông với vẹn nguyên nét đẹp huyền bí và quyến rũ.
Lối dẫn vào nhà băng qua một đồng hoa cỏ dại. Nếu vào đúng mùa hoa tam giác mạch, khung cảnh hai bên sẽ chìm đắm trong sắc hồng thơ mộng, đối lập với vẻ mênh mông, lạnh giá của núi rừng. Ngôi nhà làm chủ yếu bằng đất, mái ngói cổ, thềm và chân cột bằng đá. Vốn thuộc tầng lớp quý tộc xưa của đồng bào dân tộc Mông vùng cực Bắc, ngôi nhà có một gian chính 2 tầng chia thành nhiều phòng khách và phòng ở, một gian phụ chia làm 2 phòng nhỏ là nhà kho, bếp, một chuồng nuôi gia súc, gia cầm. Nhà xây quây bốn hướng chụm lại ở giữa có sân tạo không gian ấm cúng, yên bình.
Nhà của Pao hấp dẫn khách thăm quan bởi vẻ đẹp mộc mạc, chân chất và cổ xưa.
Mỗi khi có khách đến chơi, lũ trẻ trong nhà lại ùa ra như có hội, chào đón bằng những ánh mắt hồn nhiên. Dù không hiểu hết tiếng Kinh, khách lạ đến nhà cũng chẳng thể hiểu được tiếng Mông, nhưng không vì thế mà ngăn được tiếng cười trẻ thơ những lúc được cho bánh, chia kẹo hay chụp hình. Nhiều năm nay, cứ mỗi độ tết đến, xuân về, “nhà của Pao” lại rộn ràng Lữ khách đến thăm, bởi màu trắng của mận, màu hồng của đào tô điểm khiến ngôi nhà thêm cuốn hút. Trả lại vẻ bình yên của Lũng Cẩm, lúc ra về ai cũng giữ cho mình những bức hình, những ký ức đẹp về cao nguyên đá, về ngôi nhà trình tường cổ.