Với người Mông ở Hà Giang thì mèn mén từ bao đời nay đã trở thành món đặc sản không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết. Người Mông quan niệm rằng: Con gái Mông thì phải biết thêu thùa, biết thương chồng con, chăm lo cho bố mẹ và đặc biệt phải biết nấu mèn mén.
Có thể hiểu mèn mén đơn giản là bột ngô tẻ được chế biến qua nhiều công đoạn rồi đem hấp chin, được làm từ một loại nguyên liệu hết sức bình thường nhưng đem lại cho khách thăm quan cảm nhận rất thú vị bằng chính hương vị thơm ngon đặc biệt. Muốn mèn mén ngon thì đồ là khâu quan trọng nhất. Người ta thường đồ lại hai lần để ngô chín kỹ và không bị dính vào nhau.
Nếu có dịp lên Hà Giang, Lữ khách đừng quên khám phá ẩm thực mèn mén của đồng bào dân tộc H’Mông. Đây là một món ăn truyền thống đơn giản, mộc mạc như con người và nếp sống của họ.
Mèn mén khi đã chín có vị thơm, dẻo, rất đậm đà, ăn rất bùi, ngậy. Ăn mèn mén bao giờ cũng kèm thêm một bát canh. Người H’Mông thường ăn món này với canh bí đỏ, canh su su… dễ ăn, dễ nuốt mà không bị sặc, tăng thêm phần hấp dẫn cho món ăn. Còn một món nữa nếu ăn mèn mén không có nó thì mất ngon đó là ớt nướng, do điều kiện thời tiết ở vùng cao giá lạnh nên người H’Mông ăn ớt rất giỏi để chống rét, ớt càng cay càng tốt, đúng vị nhất phải là ớt thóc, quả nhỏ xíu như hạt thóc, đem nướng lên giã với muối, ăn cùng với mèn mén thì quả là tuyệt vời.
Mèn mén đơn giản là thế! Song để làm được món ăn này, những người phụ nữ dân tộc cũng mất khá nhiều thời gian để chế biến cho được mẻ mèn mén thơm ngon. Làm mèn mén không phức tạp nhưng cũng phải trải qua nhiều công đoạn và đòi hỏi người chế biến phải có những kinh nghiệm nhất định.
Lựa chọn nguyên liệu
Đầu tiên ngô được tách hạt, nhặt bỏ hạt sâu, mốc, chỉ giữ lại những hạt tròn và mẩy nhất. Sau đó số ngô hạt này được mang đi xay mịn. Người H’Mông vẫn sử dụng những cối xay đá truyền thống nên đây có thể coi là khâu vất vả nhất khi làm mèn mén.
Cách làm
Sau khi có bột ngô vừa ý, người H’Mông trộn bột ngô với nước rồi đảo để bột ngô tơi ra, sau đó đổ vào chõ và cho vừa nước đủ để đồ. Để có được món mèn mén, người làm phải đồ bột ngô hai lần trên chõ gỗ.
Đồ lần đầu để tẩm nước vào bột ngô, đồng thời cũng là để làm cho bột ngô tơi, không dính vào nhau. Bởi vậy, thời gian đồ lần đầu cần tính toán cho thích hợp với từng loại ngô (ngô non hay ngô già). Nếu là bột ngô già thì thời gian đồ cần lâu hơn. Nếu là bột ngô non thì chỉ sau khi nước ở trong chảo sôi, thấy hơi bốc nghi ngút lên miệng chõ là có thể bắc ra được.
Những người có kinh nghiệm đồ mèn mén thường không vội vàng mà phải dựa vào độ lửa cháy to hay nhỏ (vì lửa nhỏ thì lâu sôi, lửa to thì sôi nhanh). Khi bắc chõ ra khỏi chảo thì đổ bột ngô ra mẹt, dùng thìa gỗ đảo đi, đảo lại cho bột ngô tơi ra. Nếu không làm cho bột ngô tơi thì đồ lần sau bột ngô sẽ không chín kỹ, không thể có món mèn mén với vị thơm, dẻo và ngọt đậm đà, hơn nữa ăn sẽ bị đau bụng. Sau khi làm tơi và để nguội, người ta lại cho ngô vào chõ đồ lần hai và lần này phải đồ cho chín thật kỹ.
Ngày nay, do điều kiện cuộc sống đã có phần sung túc hơn, người H’Mông đã chuyển từ mèn mén sang cơm trong những bữa ăn chính. Tuy nhiên vào mỗi dịp lễ Tết, mèn mén vẫn được nấu và trân trọng đặt lên bàn thờ gia tiên, như một cách người H’Mông nhớ về cội rễ khó khăn của mình.
Hơn nữa, ẩm thực Hà Giang nói chung và mèn mén nói riêng đã được làm nhiều hơn để bán trong các phiên chợ. Do vậy, khách thăm quan ghé thăm những phiên chợ vùng cao đều có thể tìm mua được món ăn dân dã, đặc trưng này của người H’Mông. Bạn có thể mua mèn mén về làm quà cho người thân, đây chắc chắn là một món quà tuyệt vời sau khi kết thúc chuyến đi của bạn.